Theo vị thẩm phán đại diện TAND tỉnh Bình Thuận - tiếp nhận đơn của ông Nén cho rằng việc tòa yêu cầu ông cung cấp hóa đơn liên quan là đúng pháp luật.

Việc "người tù oan" Huỳnh Văn Nén mới đây gửi bản tường trình tới Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận sau khi nhận được yêu cầu gửi các hóa đơn, chứng từ bổ sung vào hồ sơ đề nghị bồi thường của cơ quan này, cho rằng đây là một sự đánh đố ông và gia đình ông của cơ quan chức năng, đã khiến dư luận không khỏi bức xúc.

{keywords}

Bản tường trình của ông Huỳnh Văn nén gửi TAND tỉnh Bình Thuận

Tuy nhiên trên báo Công lý, thẩm phán Trần Thị Thiên Hương - đại diện TAND tỉnh Bình Thuận - tiếp nhận đơn của ông Nén, cho rằng việc TAND tỉnh Bình Thuận yêu cầu ông Nén cung cấp các hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan là đúng quy định của pháp luật chứ không phải là sự “đánh đố”, bởi đây là nghĩa vụ chứng minh về thiệt hại mà pháp luật đã quy định đối với người bị thiệt hại.

Khi người bị thiệt hại cung cấp được các tài liệu này thì Tòa án mới có thể xác định được thiệt hại thực tế do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra đối với người bị thiệt hại.

Theo Thẩm phán Trần Thị Thiên Hương, tại Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự phải căn cứ vào thiệt hại thực tế do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra đối với người bị thiệt hại.

Tại Điều 9 của Luật này quy định, người bị thiệt hại có nghĩa vụ: Cung cấp kịp thời, đầy đủ và trung thực tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu giải quyết bồi thường; Chứng minh về thiệt hại thực tế đã xảy ra.

Thẩm phán Trần Thị Thiên Hương cũng cho rằng việc chứng minh thiệt hại để yêu cầu bồi thường là nghĩa vụ của người bị hại. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 9 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì không nên hiểu máy móc rằng nhất định “phải có hóa đơn” mà còn bao gồm các tài liệu, chứng cứ có liên quan khác, miễn là các chứng cứ này chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra.

Bà Hương cũng dẫn quy định tại Điều 46 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước cho biết về thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút: Cá nhân, tổ chức có thu nhập mà xác định được thì được bồi thường theo thu nhập thực tế bị mất. Trường hợp cá nhân có thu nhập thường xuyên nhưng không ổn định thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào thu nhập trung bình trong ba tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra.

Cá nhân có thu nhập không ổn định và không có cơ sở xác định cụ thể hoặc thu nhập có tính chất thời vụ thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương. Trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Điều 47 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước quy định, thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là ba ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù.

Điều 49 của luật này quy định về thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 46 của Luật này; Chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị…

Trên thực tế, đối với các thiệt hại khác như chi phí trong thời gian gia đình ông Nén đi kêu oan mà không còn lưu chứng từ, hoá đơn thì sẽ rất khó chứng minh. Hơn nữa, các chi phí này có nằm trong phạm vi được bồi thường theo luật hay không sẽ được cơ quan chức năng xem xét.

Về vấn đề xác minh thiệt hại, bà Hương dẫn Điều 18 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước cho biết, căn cứ vào tính chất, nội dung của vụ việc, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể tổ chức việc định giá tài sản, giám định thiệt hại về tài sản, giám định thiệt hại về sức khoẻ hoặc lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan về việc giải quyết bồi thường.

Như tin đã đưa, sáng 21/4, ông Nguyễn Thận và ông Huỳnh Văn Truyện - bố của ông Huỳnh Văn Nén đã đến TAND tỉnh Bình Thuận để bổ sung yêu cầu bồi thường. Đáng chú ý trong số tài liệu này là lá đơn tường trình của của ông Huỳnh Văn Nén, trong đó khẳng định rằng việc ông bị vướng vào vòng lao lý là điều ông và các thành viên trong gia đình không hề mong muốn. Khi ông bị ngồi tù oan, gia đình ông phải bán đất, bán tài sản với niềm tin có thể kêu oan nên không bao giờ lường trước được việc phải giữ hóa đơn, chứng từ mua bán để sau này nộp cho tòa khi được giải oan.

Ông Nén cũng khẳng định đơn yêu cầu bồi thường đã thực hiện đúng theo mẫu của các cơ quan chức năng, riêng với phần xác định thiệt hại đối với cá nhân và gia đình hoặc những hệ lụy phải đối mặt thì “cá nhân tôi không biết cơ quan nào thẩm định và cũng không có điều kiện cung cấp hóa đơn, hay chứng từ theo quy định vì những lý do đã nêu trên”.

Ông cho rằng các văn bản dưới luật khó có thể dự đoán được tất cả các tình huống phát sinh, trong khi hai bản án của ông là tiền lệ chưa tùng có của nền tư pháp Việt Nam.

“Thực sự mà nói thì chẳng ai mong ở tù để được bồi thường. Nếu việc bồi thường không được quý cơ quan xem xét do thiếu chứng cứ, hóa đơn thì đó chính là sự bất công của công lý” – ông kết thúc bản tường trình.

Ngày 11/4, ông Huỳnh Văn Nén gửi đơn yêu cầu được bồi thường 18 tỷ đồng tới TAND tỉnh Bình Thuận. Cơ quan này sau khi tiếp nhận đơn yêu cầu bồi thường đã đề nghị ông Nén cung cấp các hóa đơn, chứng từ liên quan.

Theo VOV