Việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa tầm xa đưa vệ tinh lên quỹ đạo Trái
đất đã biến một giả thiết khó tin đối với phương Tây trở thành hiện thực. Thông
tin tình báo của Mỹ gần đây cảnh báo rằng chỉ trong vài năm nữa, Triều Tiên sẽ
có tên lửa vươn tới các vùng đất của Mỹ là Alaska và Hawaii.
Triều Tiên ăn mừng vụ phóng tên lửa
Thất bại của Mỹ mang tên 'tên lửa Triều Tiên'
Bí ẩn quanh vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên
Triều Tiên phóng thành công tên lửa tầm xa
Tên lửa Triều Tiên |
Tuy nhiên, với việc phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo thành công, Triều Tiên đã minh chứng rõ ràng rằng họ đang trên đà cải thiện tiềm lực tên lửa tầm xa hơn nữa.
Làm thế nào để Bình Nhưỡng có thể vượt qua được ngưỡng khó nắm bắt này để hoàn tất một vụ phóng tên lửa ba tầng và đặt vệ tinh lên được quỹ đạo Trái đất?
Trong việc này, Iran là một ẩn số mở.
Hợp tác giữa Triều Tiên và Iran có thể là một yếu tố then chốt mang lại thành công cho vụ phóng tên lửa vừa qua. Khởi đầu là một mối quan hệ kinh doanh, Iran cung cấp nhiều tiền cho Triều Tiên, đổi lại là các bộ phận và công nghệ tên lửa cho Tehran. Hoạt động này đã mở ra một mối quan hệ đối tác ngày càng hiệu quả. Đến giờ có thể coi sự độc lập trước đó trong chương trình tên lửa của hai quốc gia đã gắn kết với nhau như hai mặt của một đồng xu.
Mặc dù hợp tác không thường xuyên giữa Triều Tiên và Iran về phát triển tên lửa đã được đề cập khá nhiều, các nhà phân tích vẫn nhìn nhận sự tương tác này chủ yếu thông qua lăng kính của một loạt các hoạt động thương mại. Quan niệm chung vẫn là Iran mua vũ khí của Triều Tiên. Kết quả là các nhà phân tích vẫn coi các chương trình phát triển tên lửa tầm xa này như những nỗ lực độc lập với nhau.
Nhưng rõ ràng là thành công bất ngờ của Triều Tiên hôm 12/12 vừa qua không phải là một may mắn tình cờ, mà là một thành quả từ việc hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn với Iran.
Hồi tháng Chín vừa qua, Triều Tiên và Iran đã ký một thỏa thuận hợp tác khoa học và công nghệ. Trong khi nhiều quốc gia phương Tây bác bỏ thực tế này và coi đây chỉ là chiêu tuyên truyền, thì thỏa thuận này đã mang lại khuôn khổ tổ chức để thiết lập các phòng thí nghiệm chung và chương trình trao đổi các nhóm nghiên cứu khoa học, cũng như chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và môi trường.
Thực tế, các dự án này đã tạo ra một lớp vỏ bọc cho Bình Nhưỡng để tiết chế các lệnh trừng phạt do Mỹ chủ trương liên quan tới các hoạt động phổ biến tên lửa của Triều Tiên. Do đó, thỏa thuận song phương mới có vẻ như đã hợp thức hóa cơ chế gần đây mà thông qua đó, hai quốc gia đã thường xuyên tìm kiếm các bộ phận chuyên biệt, cũng như chia sẻ dữ liệu và chuyên môn kỹ thuật. Khi một bên làm chủ hoặc sở hữu công nghệ then chốt liên quan tới tên lửa, bên còn lại cũng được hưởng lợi.
Các phân tích kỹ thuật sâu hơn dường như cho thấy thành công gần đây của Triều Tiên có liên quan tới việc phóng vệ tinh Omid của Iran lên quỹ đạo Trái đất vào tháng 2/2009.
Sự kiện mang tính bước ngoặt này có vẻ cũng được tạo điều kiện từ hợp tác tên lửa giữa Nga và Iran trong giai đoạn năm 2005. Dưới tiêu đề “hợp tác kỹ thuật và khoa học dân sự”, thỏa thuận giữa Triều Tiên và Iran đã giúp Bình Nhưỡng tiếp cận tới các nguồn lực của Nga trong chương trình của Iran.
Một điều đặc biệt quan trọng đối với Triều Tiên là công nghệ tên lửa tầm xa của Nga. Hàn Quốc đã xác nhận rằng tên lửa Triều Tiên có sử dụng acid nitric đỏ làm chất oxy hóa – một loại nhiên liệu hay được sử dụng trong thời kỳ Liên Xô – đã củng cố thêm khả năng này.
Quan hệ đối tác song phương và phụ thuộc lẫn nhau này rất độc đáo trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khi Triều Tiên và Hàn Quốc đều không có điểm chung về mặt ý thức hệ, tôn giáo, không gian địa lý và chủng tộc.
Một thực tế đã bị bỏ sót là hai bên giúp đỡ lẫn nhau đương đầu trong các tình huống khẩn cấp của quốc gia. Đối với Iran, Triều Tiên là một nguồn cung sống còn các loại vũ khí thông thường trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Còn với Triều Tiên, Iran từ lâu đã là một điểm mấu chốt trong các hoạt động kinh doanh quan trọng sống còn tại Trung Đông và Đông Âu.
Dựa trên các lập luận này và chi tiết về sự hiện diện của các nhà khoa học Iran trước và tại thời điểm Triều Tiên phóng tên lửa giữa tháng này, có thể thấy, Mỹ và các quốc gia phương Tây đã đánh giá không đúng mức tầm quan trọng của yếu tố Tehran đối với tên lửa của Bình Nhưỡng.
- Lê Thu (theo Diplomat)