Sau thành công phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng, Mỹ phải đối mặt với các giới hạn của chính sách 'hổ thẹn và trừng phạt' đối với Triều Tiên.

Tên lửa Triều Tiên được phóng đi hôm 12/12/2012
Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà phân tích và quan chức nói rằng thực tế ngày 12/12/12 vừa qua cho thấy cách tiếp cận của Mỹ với Bình Nhưỡng đã không thể ngăn được bước tiến của Triều Tiên trong công nghệ hạt nhân và tên lửa.

Ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhóm họp. Các quan chức cũng nói rằng nhiệm vụ ngay trước mắt của Mỹ là cố gắng giành được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa của Trung Quốc để khiến các lệnh trừng phạt hiện nay có hiệu lực và có thể đồng ý các biện pháp mới như bổ sung thêm các thực thể của Triều Tiên vào danh sách đen của LHQ, cấm đi lại và đóng băng các tài sản của cá nhân quan chức Triều Tiên và thắt chặt  thanh tra hàng hóa của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, các lựa chọn cho chính sách của Mỹ trông có vẻ không mấy khả thi khi mà nhiều người đang nghi ngại Triều Tiên có thể kết hợp chương trình hạt nhân và tên lửa với nhau, và khả năng đánh trúng tới bờ tây của Mỹ.

Một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế là Victor Cha nhận định rằng: tại Mỹ đang có một chiều hướng không nói ra tại là coi nhẹ các thử nghiệm đó, nhưng điều này không còn được chấp nhận nữa.  

"Câu hỏi đặt ra là, dựa trên mối đe dọa mới mà Triều Tiên đưa ra thì Mỹ có làm điều gì khác hay không, hay là chúng ta sẽ chờ đợi họ vượt qua ngưỡng cửa tiếp theo để trở thành một mối đe dọa hạt nhân hoàn chỉnh đối với Mỹ?".

Sợ hãi, lùi bước và thua cuộc

Các quan chức Mỹ thì nói rằng lộ trình của họ đã bị lực cản từ Bắc Kinh làm cho phức tạp thêm.

"Chính quyền các bên đều làm việc về vấn đề này hàng thập kỷ rồi. Nhưng chẳng ai tìm ra một giải pháp để kiên trì theo đó, phần lớn là vì các người chơi chính đều không bao giờ đồng ý đứng chung hàng ngũ với nhau" - một quan chức cấp cao giấu tên nói.

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng chính quyền Obama đã nói đi nói lại là tìm cách thiết lập lại quan hệ với Bình Nhưỡng theo hướng tích cực hơn, mà đỉnh điểm là trong một thỏa thuận khung hồi đầu năm mà theo đó, Mỹ sẽ viện trợ cho Triều Tiên, đổi lại là các chương trình vũ khí chính của Bình Nhưỡng sẽ phải dừng lại.

Thỏa thuận này nhanh chóng đổ bể khi mà Triều Tiên quyết định phóng tên lửa vào tháng Tư và không thành công.

Các nhà phân tích nói rằng phải rất lâu nữa thì Triều Tiên mới trở thành mối đe dọa trực tiếp cho Mỹ. Nhưng các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc lại ngày một lo âu hơn, gây sức ép nhiều hơn với Washington để phát triển một số chiến lược mới.

"Khả năng phóng một quả tên lửa và giữ nó ở trên không chỉ trong vòng 9 phút chưa là gì để có thể đánh trúng Seattle, nhưng bạn sẽ rất căng thẳng nếu như là bạn là Nhật Bản hay Philippines" - nhận định của George Lopez, một nhà phân tích về Triều Tiên tại Đại học Notre Dame.

Súng hay lương thực?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói rằng các quan chức Mỹ đã hội đàm với các đồng minh châu Á cũng như với Trung Quốc về các biện pháp tiếp theo. Nhưng bà cũng cho hay rằng hiện tại chưa ai có ý định thương lượng ngay lập tức với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

"Điều này đã khiến họ đi lầm đường. Ông ấy có thể dành thời gian và tiền bạc để phóng tên lửa, hoặc có thể cung cấp đồ ăn cho người dân. Nhưng ông ấy không thể làm cả hai".

Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc chế ngự đồng minh của Bắc Kinh, mặt khác tiến hành các chuẩn bị về mặt phòng thủ tên lửa cho các đồng minh của Washington.

"Đây có thể là nguyên nhân cho một sự thay đổi trong chính sách đối phó với Triều Tiên. Và điều đầu tiên tôi nghĩ là chúng ta phải làm đó là có thảo luận song phương nghiêm túc với Trung Quốc" - Nghị sĩ Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ nói.

Các dấu hiệu đầu tiên không mấy hứng khởi. Trong phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an LHQ về các lệnh trừng phạt mới có thể đưa ra vào hôm thứ Tư, một quan chức Ngoại giao nói rằng đại diện của Mỹ và Trung Quốc đã có một cuộc 'thảo luận sôi nổi' về hướng đi tốt nhất.

"Cụm từ 'lố bịch' đã được sử dụng hơn một lần" - một nhà ngoại giao nói.

Rốt cuộc, các nhà phân tích nói rằng Washington vẫn chưa thể tìm cách trở lại các cuộc đàm phán giải giáp vũ khí đa phương gồm 'sáu bên' đã bị đình lại từ năm 2008. Bất kể các bước lùi và thất bại, rất ít những yếu tố khác có thể khả thi.

"Với vụ phóng tên lửa này, Triều Tiên đang cho thấy chiến lược hổ thẹn và trừng phạt không có tác dụng gì" - Daryl Kimball thuộc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí nói.

"Họ [Triều Tiên] dần dần cải thiện tiềm lực vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình, và họ có vẻ không cần tỏ ra thận trọng hay khéo léo theo dõi vụ phóng tên lửa với cách tiếp cận mệt mỏi và vô hiệu tương tự [như Mỹ]" - ông Daryl nói.

  • Lê Thu (theo Reuters)