Các sự kiện quốc tế mọi năm đều là những sự vụ riêng lẻ, và tính chất liên kết giữa các sự kiện này không phải lúc nào cũng rõ ràng.

Nhưng khi hướng đến năm 2013, cho dù là tình hình ở Syria hay Nam Phi, hay biển Hoa Đông, các nhà hoạch định chính sách tại các điểm nóng trên thế giới đều có chung một ước nguyện cho năm mới: đó là một khởi đầu mới cho đoàn kết và củng cố ổn định chính trị và kinh tế.

Châu Âu chuyển hướng hội nhập

Sau một năm nữa chìm trong khủng hoảng nợ đang thử thách sức chịu đựng của Liên minh châu Âu, các lãnh đạo khu vực này đang tiến hành các biện pháp then chốt vào cuối năm vừa qua: thống nhất để cho Ngân hàng Trung ương châu Âu giám sát các ngân hàng lớn nhất trong liên minh.

“Quyết định của các lãnh đạo nhà nước châu Âu nhằm tạo nên một liên minh ngân hàng và liên minh tài chính vẫn cần được thực thi. Nhưng đó vẫn là một nhân tố xác thực làm thay đổi cuộc chơi” - Jan Techau, giám đốc của Trung tâm Carnegie châu Âu nhận định.

“Nó không thể coi là hoàn hảo và vẫn chưa thấy có hành động gì; nhưng nếu thực thi, đó sẽ tạo đà cho hội nhập chính trị hơn nữa” – ông Tachau nói.

Bình minh mới cho Somalia?

Tại Somalia, Al Qaeda đang tháo chạy suốt năm 2012 sau bốn năm kiểm soát miền nam đất nước này.

Các đồng minh phương Tây của Somalia đã bắt đầu tuyên bố về một bình minh mới. Các chuyến bay thương mại quốc tế giờ đáp xuống sân bay Mogadishu nhiều hơn.

Các nhà đầu tư từ cộng đồng Somalio di dân trước đó đều đang trở về nhà. Các nhân viên cứu trợ có cơ hội hơn bao giờ hết được tiếp cận tới hàng triệu người đang cần tới sự giúp đỡ của họ.

Trung Đông: Lắm người thắng cuộc, càng nhiều chia rẽ?

Sức ép ngày càng gia tăng với Tổng thống Syria Bashar al-Assad khi phe đối lập đang trên đà mạnh hơn và chiếm ưu thế.

Rất nhiều chuyên gia lo ngại rằng điều gì sẽ xảy ra nếu như phe đối lập giành phần thắng? Nhiều người bắt đầu cảnh báo rằng nếu không có kế hoạch giải giáp vũ khí đối với phe đối lập trong trường hợp chính quyền Damascus sụp đổ, đất nước này sẽ còn tiếp tục chìm trong bất ổn.

Tại Israel và các vùng lãnh thổ Palestine, quan điểm của các bên đều đang cứng rắn hơn khi mà cánh cửa cho giải pháp hai nhà nước nhanh chóng đóng sập lại. Israel sẽ còn dấn tới hơn nữa trước kỳ bầu cử vào tháng Một tới, trong khi Palestine sẽ có quan điểm chắc chắn hơn sau khi được công nhận tư cách nhà nước tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu liên tục mời Palestine quay trở lại bàn đàm phán mà không có điều kiện tiên quyết nào, và ám chỉ rằng nếu Palestine không làm vậy thì điều đó cho thấy họ không nghiêm túc về vấn đề hòa bình.  Phía Palestine thì nói rằng họ không chấp nhận đàm phán trong khi Israel vẫn liên tục mở rộng các khu tái định cư ở Bờ Tây.

Năm 2013, người Palestine muốn chấm dứt việc mở rộng các khu tái định cư trước khi quá muộn để thực thi giải pháp hai nhà nước. Còn Israel lại muốn Palestine công nhận nhà nước Do Thái, cũng như đảm bảo rằng một thỏa thuận hòa bình sẽ đặt dấu chấm hết cho xung đột.

Các mối quan hệ tượng trưng tại Đông Á

Chỉ trong một năm mà Trung Quốc khiến cho rất nhiều láng giềng đau đầu về tuyên bố lãnh thổ của họ. Bắc Kinh có đối đầu với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh dấy lên liên tục suốt mấy tháng vừa qua.

Nhưng thiệt hại về kinh tế đã khiến các nhà phân tích nói rằng hai bên phải xử lý trục trặc ngoại giao này ngay lập tức. “Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Nhật Bản, và Nhật Bản là nguồn lực rất quan trọng để Trung Quốc học hỏi các công nghệ và khoa học mới” – ông Zhou Weihong, một chuyên gia về Nhật Bản tại Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Bắc Kinh nói.

Nếu như nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản không thể ‘yên ổn’ với nhau, ‘đó sẽ là tin xấu cho phần còn lại của thế giới. Các động cơ đủ lớn để hai bên phải cải thiện quan hệ với nhau’ – ông Zhou nói.

Chavez và di sản

Câu chuyện đáng chú ý nhất 2012 tại Venezuela là việc Tổng thống Hugo Chavez tái đắc cử vào tháng Mười vừa qua. Nhưng giờ đây, ông Chavez khó có thể đứng lên nhậm chức vào ngày 10/1 tới vì bệnh ung thư. Nếu tình hình sức khỏe không thể cải thiện, ông Chavez nhiều khả năng sẽ phải từ bỏ nhiệm kỳ tới.

Bên trong quốc gia nhiều dầu mỏ này, các xu hướng chính trị sẽ bùng nổ vào năm 2013 nếu như có lãnh đạo mới được bầu nên trong khi các vấn nạn hàng ngày như tội phạm và lạm phát vẫn gia tăng.

“Dần dần chúng tôi sẽ điều chỉnh khi một chính quyền mới thiết lập và chắc chắn là sau quá trình chuyển tiếp này, chúng tôi sẽ tìm ra một cách thức thực thi chính trị mới tại Venezuela, đó là điều mà chúng tôi đang cần” – nhận định của nhà phân tích chính trị Jose Vicente Carrasquero.

  • Lê Thu (theo CSM)