Các lực lượng trung thành với Tổng thống Muammar Gaddafi đã bắn nhau với các phe nhóm đối lập đang nắm giữ các thành phố gần thủ đô Libya song không có dấu hiệu họ chiếm lại được một địa phận nào.

TIN LIÊN QUAN:

Chặn bạo lực ở Libya: Thế giới nói suông?
"Đích thân Gaddafi ra lệnh vụ khủng bố Lockerbie"
Libya "giải phóng" nửa đất nước
Libya đầy xác chết, nghìn người tháo chạy
Biểu tình dậy sóng Libya, Gaddafi "quyết tử"



Bất ổn ở Libya tiếp tục tăng cao và lực lượng biểu tình đã chiếm được nhiều thành phố quanh thủ đô Tripoli. (Ảnh: Mail)

Trong bối cảnh giá dầu leo thang đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, Mỹ tuyên bố họ để ngỏ mọi lựa chọn, trong đó có cả vũ lực và cấm vận để trừng phạt việc chính phủ Libya thẳng tay đàn áp biểu tình. 

Tuy nhiên, một phản ứng phối hợp của quốc tế chống lại Gaddafi, người nắm quyền ở đất nước nhiều dầu mỏ hơn 40 năm qua, dường như vẫn rất yếu ớt khi mỗi chính phủ đều đang tập trung vào việc sơ tán công dân của mình khỏi Libya. 

Trong một nỗ lực kêu gọi trật tự, Gaddafi cáo buộc thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden gây ra những bất ổn ở Libya. Với giọng điệu ôn hòa hơn, nhà lãnh đạo này nói rằng người biểu tình bị kích động bằng sữa và ma túy gây ảo giác.


"Họ mới 17 tuổi. Chúng cho họ ma túy vào ban đêm, chúng bỏ thuốc gây ảo giác vào đồ uống của họ, vào sữa, cà phê, Nescafe của họ", Gaddafi nói.


Trong khi đó, các lực lượng đối lập riêng rẽ đã nắm quyền kiểm soát một số khu vực chủ chốt thuộc phía đông, trong đó có thành phố Benghazi. Có thông tin nhưng chưa chắc chắn rằng các thành phố Misrata và Zuara ở phía tây cũng đã về tay người biểu tình.

Ở Misrata, nơi những người chống Gaddafi tuyên bố đã chiếm được từ 23/2, những người trung thành với Tổng thống cùng lính đánh thuê đã mở một cuộc phản công nhưng bị chặn lại. 

"Người biểu tình đã thắng lực lượng an ninh và kiểm soát toàn bộ thành phố", Mohamed Senoussi, 41 tuổi, nói với Reuters qua điện thoại từ Misrata, cách Tripoli 200km về phía đông.  

Đọ súng cũng diễn ra ác liệt ở Zawiyah, cảng dầu mỏ cách thủ đô 50km, khiến 23 người thiệt mạng - một tờ báo Libya đưa tin. Đài Al-Jazeera dẫn lời người dân nói con số tử vong ở Zawiyah là 100 người.

Một quan chức nhân quyền cấp cao của Pháp ước tính, khoảng 2.000 người có thể đã chết trong làn sóng biểu tình bắt đầu từ ngày 15/2 ở Libya. 

Các chính phủ phương Tây, vốn chào đón Gaddafi và dầu mỏ của ông trong vài năm trở lại đây sau một thời gian dài cô lập, đang cố gắng tìm kiếm một phản ứng chung trước cuộc khủng hoảng. Nhiều nước đã nói đến các đòn cấm vận chống lại Libya hoặc chống lại Gaddafi và chính quyền của ông song vẫn chưa có một hành động nào rõ ràng.

Thanh Hảo (Theo Reuters)