Khi lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản LDP tuyên bố hôm 8/1 rằng họ sẽ tăng
ngân sách quốc phòng quốc gia lên thêm 100 tỉ Yên (tương đương 1,15 tỉ USD), ba
trong số năm viễn cảnh mà Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới khảo sát gần đây đều liên
quan tới khả năng Lực lượng Phòng vệ Nhật phải phòng thủ trước Quân đội Giải
phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Thế giới 24h: Nhật Bản nổi giận
Nhật dùng siêu cơ Mỹ giám sát đảo tranh chấp
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông |
Viễn cảnh đầu tiên kiểm định cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông. Sáng sớm ngày thứ Ba vừa qua, Nhật Bản đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo lần đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe tái đắc cử để phản đối sự hiện diện của các tàu chiến của Trung Quốc tại vùng biển quanh quần đảo mà cả Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan cùng có tuyên bố chủ quyền.
Viễn cảnh thứ hai tập trung vào một sự việc có thể xảy ra trên quần đảo Senkaku, đó là khả năng PLA sẽ chiếm đảo Ishigaki và Miyako.
Viễn cảnh thứ ba và có thể cũng là gây tranh cãi nhất tập trung vào khả năng Nhật Bản sẽ phản ứng như thế nào đối với việc Trung Quốc có thể có động thái về mặt quân sự đối với Đài Loan vào năm 2021 (thời điểm này được chọn vì nó trùng hợp với lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc). Theo viễn cảnh này, PLA có thể hầu như sẽ dựa vào các phương tiện đổ bộ, các lực lượng đặc nhiệm, các tên lửa đạn đạo và phong tỏa để đạt được mục đích cuối cùng.
Mặc dù viễn cảnh cuối cùng làm sáng tỏ rằng các thái độ thù địch có thể chủ yếu liên quan giữa PLA và các lực lượng quân đội Đài Loan, nhưng vẫn dấy lên khả năng rằng Trung Quốc có thể tấn công cả Mỹ và căn cứ của Mỹ tại Okinawa của Nhật. Trong viễn cảnh này, PLA có thể sử dụng các tên lửa đạn đạo tầm xa, chẳng hạn như DF-21 và DF-31 để đe dọa các hàng không mẫu hạm trong khu vực và bờ Tây của Mỹ nếu như các lực lượng Mỹ tìm cách can thiệp xung đột.
Điều thú vị là như tờ báo tiếng Nhật Sankei Shimbun nói trong số báo ngày 1/1 vừa qua, Nhật Bản sẽ phải có trách nhiệm đến viện trợ cho Đài Loan trong viễn cảnh nêu trên.
Suốt nhiều năm liền từng có rất nhiều phỏng đoán xem liệu Tokyo có can thiệp nếu như PLA đem quân đổ bộ vào Đài Loan. Các báo cáo năm 2007 cho rằng các quan chức Nhật Bản và Mỹ được cảnh báo về sự trỗi dậy của Trung Quốc, họ đã cân nhắc một kế hoạch phối hợp hành động trong một sự việc bất ngờ như vậy.
Theo đó, Nhật Bản cung cấp các hỗ trợ phía sau cho các lực lượng của Mỹ như đã quy ước trong văn bản các Hướng dẫn cho Hợp tác Quốc phòng Nhật – Mỹ. Cũng không phải một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi mà các nỗ lực như vậy xuất hiện khi Thủ tướng Nhật Bản thân Đài Loan như Shinzo Abe lên nắm quyền năm 2007.
Hồi cuối năm ngoái, hai nước đã thống nhất về việc đàm phán thay đổi đối với các hướng dẫn quan hệ song phương để phản ánh thay đổi tốt hơn trong tình huống chiến lược, cũng như mang lại cho lực lượng của Nhật nhiều không gian để thao diễn.
Theo các nguồn tin của Nhật, khoản tiền 100 tỉ Yen cho ngân sách quốc phòng vừa mới được tuyên bố sẽ đóng vai trò cung cấp tiền cho các nghiên cứu vào hệ thống ra-đa mới, đồng thời đáp ứng phần nhiên liệu và các phí bảo trì khác cho các máy bay cảnh báo sớm.
Nhưng đây chỉ là bước đi đầu tiên, và có thể sẽ còn nhiều biện pháp tới đây được công bố. Ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2012 kết thúc vào tháng Ba tới chỉ là 4,69 nghìn tỉ Yen (61 tỉ USD), tức là chỉ nhỉnh hơn 1% GPD của Nhật. Điều này sẽ cho phép Tokyo ‘dư dật’ không gian để mở rộng thêm nếu như môi trường chiến lược của Nhật tiếp tục xấu đi trong các tuần tới.
- Lê Thu (theo Diplomat)