Cuộc khủng hoảng con tin ở đông Algeria đã qua đi song nhiều câu hỏi vẫn còn
đó, đặc biệt là số phận của những người mất tích.
TIN BÀI KHÁC:
Thảm kịch con tin ở Algeria qua ảnh
Nhận diện kẻ thù của Pháp ở Mali
Một con tin được giải cứu được điều trị tại một bệnh viện ở Algeria hôm 18/1.
Một trong những câu hỏi chưa được giải đáp là có chính xác bao nhiêu người tại nhà máy khí đốt sau 3 ngày hỗn loạn - thảm kịch kết thúc hôm 19/1 cướp mạng sống của ít nhất 23 con tin và hàng chục tay súng Hồi giáo thiệt mạng.
Khoảng 685 lao động Algeria và 107 người nước ngoài đã được tự do, theo Bộ Nội vụ Algeria. Tập đoàn BP của Anh thông báo 4 nhân viên của họ vẫn mất tích. Hãng Statoil của Na Uy nói rằng 4 nhân viên của họ cũng chịu cảnh tương tự trong khi 12 người khác đã trở về nhà ở Na Uy, Algeria và Canada.
"Các nỗ lực tìm kiếm đang diễn ra tại cơ sở khí đốt, tìm kiếm thêm các nạn nhân. Tôi sợ rằng con số sẽ được cập nhật với thêm nhiều nạn nhân nữa khi chiến dịch tìm kiếm kết thúc", trích lời Bộ trưởng Truyền thông Algeria Mohammed Said.
Nhóm bắt cóc đến từ 6 nước, trong đó có các công dân Ảrập và châu Phi, với 3 tên là người Algeria, Bộ trưởng Said nói. Ông cho biết thêm rằng quân đội Algeria đã tìm thấy "nhiều đồng phục quân sự nước ngoài" khi lục soát nhà máy In Amenas.
Hiện tại, Algeria đang tiến hành tìm kiếm con tin tại các bệnh viện và trung tâm y tế trên khắp cả nước, đồng thời rà soát các thị trấn và làng mạc gần địa điểm xảy ra thảm kịch.Cuộc khủng hoảng con tin kết thúc đẫm máu. Các nước liên quan tới sự kiện rúng động này:
Colombia: Tổng thống Columbia cho biết, một công dân nước ông được cho là đã chết.
Pháp: Theo Bộ trưởng Quốc phòng nước này, một người - được xác định là Yann Desjeux - đã chết sau khi kể với báo Pháp Sud Ouest ngày 17/1 rằng ông và 34 con tin khác thuộc 9 nước khác nhau được đối xử tốt. Ba người trong số bị bắt giữ hiện đang an toàn. Hiện chưa rõ có nạn nhân nào mất tích hay không.
Nhật Bản: Vẫn còn 10 công dân nước này chưa được xác nhận có an toàn hay không, hãng cơ khí Nhật JGC cho biết.
Malaysia: Ba nạn nhân đang trên đường trở về Malaysia, thông tấn xã nước này đưa tin và nêu "khả năng đáng lo ngại" là một người khác đã chết còn người thứ 5 mất tích.
Na Uy: Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg xác nhận 5 công dân nước ông hiện mất tích trong khi 8 người khác an toàn. "Chúng tôi biết rằng có rất nhiều rủi ro", Tổng giám đốc Statoil Helge Lund thừa nhận. "Một ngày mới không có câu trả lời càng khiến chúng tôi lo lắng thêm".
Romania: Bộ Ngoại giao nước này xác nhận một công dân của mình tử vong trong khi 4 người khác đã được tự do.
Anh: Bộ Ngoại giao ở London cho biết 3 công dân Anh đã bị giết chết. Ba người khác "được tin là đã chết". 22 người Anh khác bị bắt làm con tin đã trở về nhà an toàn.
Mỹ: Ít nhất một người Mỹ, được nhận diện là Frederick Buttaccio, nằm trong số những người thiệt mạng, theo Bộ Ngoại giao ở Washington. Sáu người Mỹ được tự do đã rời Algeria còn một người vẫn ở lại nước này.
Thanh Hảo (Theo CNN, BBC)