Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã triệu tập nhiều lần để thảo luận về việc trừng phạt Triều Tiên như thế nào sau các động thái mà họ gọi là Bình Nhưỡng ‘gây hấn’.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Diễu hành tại Bình Nhưỡng.
Tròn hai tháng sau vụ phóng tên lửa là một vụ thử hạt nhân. Đây dần trở thành một chuỗi các sự kiện mà mọi người dần quen thuộc với kết thúc là vụ nổ dưới lòng đất ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Cộng đồng quốc tế lên án vụ phóng tên lửa và sau đó là Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt, để rồi sau đó Bình Nhưỡng lấy lý do phản ứng trừng phạt để tiến hành thử hạt nhân.

Một lộ trình y chang như những gì đã xảy ra trong các vụ thử hạt nhân trước đó năm 2006 và 2009.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chắc chắn sẽ áp đặt hoặc thắt chặt thêm các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng sau vụ thử mới đây nhất, nhưng hầu hết các chuyên gia đều cho rằng tuyến trừng phạt này – cho tới bây giờ -- hầu như là vô dụng.

“Việc Hội đồng Bảo an đồng thuận trước một nghị quyết mới thậm chí còn chẳng có tác dụng gì nữa nếu như chúng ta đang nhắm vào các thực thể hoặc cá nhân của Triều Tiên vốn không thể bị trừng phạt một cách hiệu quả” – nhà nghiên cứu và là học giả của Mỹ Stephan Haggard nói.

“Thực tế, mọi việc đang xấu đi: nghi thức hóa hành động của Liên Hợp Quốc đang làm xói mòn sự tín nhiệm của chúng ta vì họ vẫn tiếp tục vẽ nên các ranh giới màu đỏ mà chúng ta buộc phải vẽ lại” – ông Haggard nói.

Phương án tăng cường mạnh hơn các lệnh trừng phạt với các biện pháp nặng nề - đặc biệt là đối với các thể chế tài chính của Triều Tiên – lại bị Trung Quốc hạn chế.

Trung Quốc luôn che chắn cho Bình Nhưỡng trong mọi trường hợp phải đối mặt với các lệnh trừng phạt khắt khe của Liên Hợp Quốc.

Trong khi sự kiên nhẫn của Bắc Kinh đối với người láng giềng bốc đồng có vẻ không còn sức bền thì họ vẫn không có vẻ sẽ ủng hộ bất kỳ hành động nào có thể đẩy Triều Tiên tới nguy cơ sụp đổ.

Do đó, các nhà phân tích đang nói về việc xem xét lại về mặt chiến lược để loại bỏ cách chơi của Triều Tiên và tìm một phương án mới lâu dài mang tính thực tế.

Chẳng hạn như theo chuyên gia Andrei Lankov tại Đại học Kookmin ở Seoul, điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận một sự thật khó chịu rằng không thể nào ngăn Triều Tiên trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

“Giấc mơ về việc phi hạt nhân hóa [bán đảo Triều Tiên] nên từ bỏ, mục tiêu duy nhất có thể đạt được là việc kiểm soát vũ khí” – ông Lankov nói.

“Mục tiêu cần đạt được là một thỏa thuận kiểm soát vũ khí trong đó chấp nhận việc Triều Tiên trở thành một cường quốc hạt nhân, cùng lúc đó giới hạn quy mô của kho vũ khí này” – ông Lankov đề xuất thêm.

Nhưng Lankov nói thêm rằng từ lâu, Triều Tiên đã luôn là người phá bỏ các thỏa thuận, và cách làm đó có thể dễ bị chỉ trích là nhân nhượng, đặc biệt là trong giới chính trị đối nội ở Mỹ và Hàn Quốc.

Triều Tiên có một lịch sử lâu dài sử dụng chính sách ‘bên miệng hố chiến tranh’ nhằm đạt được sự nhượng bộ. Một trong những thách thức chính của việc này là nó khiến cho quá trình làm việc với Triều Tiên trở nên kém thực dụng và dần theo hướng: càng khiêu khích càng có lợi.

Chủ tịch học viện Khoa học và An ninh Quốc tế David Albright tin rằng cần có một ‘công thức mới’ để phá vỡ vòng tròn ‘khiêu khích – thỏa thuận’ này.

“Một sự tham gia về mặt chiến lược không có nghĩa là phần thưởng cho việc thử nghiệm (tên lửa, hạt nhân), nhưng nó nhằm tìm ra một cách ứng xử của Triều Tiên thông qua đối thoại bền vững, và có thể đó là cách hiệu quả nhất để tiến tới” – ông Albright nói.

Trước khi Triều Tiên phóng tên lửa vào tháng 12 năm ngoái, năm 2013 từng được coi là một năm đầy triển vọng cho một quá trình đối thoại như vậy, và nối lại các cuộc đàm phán sáu bên giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ.

Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều có lãnh đạo mới, trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai.

Nhiều người từng tưởng rằng thực tế này mang lại cơ hội cho một sự khởi đầu mới với Bình Nhưỡng với những gương mặt mới và năng lượng được tái tạo.

Nhưng rồi tên lửa được phóng đi, và sau đó là vụ thử hạt nhân đã khiến cho cơ hội nối lại bất kỳ một cuộc đối thoại có ý nghĩa nào đều trở thành mây khói – ít nhất là trong thời gian trước mắt.

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Park Geun-Hye từng hứa hẹn sẽ làm việc nhiều hơn với Bình Nhưỡng, giờ đây đang phải chuẩn bị chống chịu các chỉ trích từ những thành phần ‘diều hâu’ trong đảng bảo thủ của bà.

Cùng lúc đó, một số nhà phân tích cho rằng cách tốt nhất để tiếp tục là hoàn toàn ‘mặc kệ’ Bình Nhưỡng trong một thời gian, và thay vào đó, tập trung vào việc xây dựng đồng thuận giữa các bên liên quan chủ yếu.

“Có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang để tâm nhiều hơn tới các lo ngại của Mỹ về khiêu khích hạt nhân của Triều Tiên”- ông Albright nói.

“Mục tiêu sẽ là Mỹ phải thi triển được các quan điểm chung với Trung Quốc, cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản, và khiến cho Triều Tiên khó có thể ‘chơi’ Trung Quốc để chống lại Mỹ hơn” – Albright nhận định.

  • Lê Thu (Theo CNA)