Các tàu hải quân và bán quân sự Trung Quốc đang khuấy tung biển Hoa Đông quanh quần đảo tranh chấp với Tokyo.

TIN BÀI KHÁC

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Các nhà nghiên cứu nói rằng, đây là một chiến lược nhằm áp đảo về quân số so với lực lượng của Nhật, khiến Nhật sẽ phải di chuyển để phát hiện và theo dấu các đội thuyền nhỏ.

Mỗi ngày, lại có các thông báo về các loạt tàu triển khai ở Hoa Đông, các đợt tập trận hải quân, hạ thủy các tàu chiến mới và các bài bình luận kiên quyết đòi bảo vệ chủ quyền Trung Quốc.

 “Mục tiêu tác chiến ở Hoa Đông là làm mài mòn Lực lượng phòng vệ biển của Nhật và Lực lượng tuần tra ven biển Nhật” – James Holmes, một chuyên gia chiến lược biển tại Newport, Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ Rhode Island, nói.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) liên tục phát đi các tín hiệu di chuyển của họ xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, tin tức về các nhiệm vụ này có giá trị về mặt tuyên truyền trong nước đối với Bắc Kinh vì nó thể hiện rằng Đảng cầm quyền có quyền lực thật sự và quyết tâm bảo vệ những gì mà họ cho là thuộc về mình.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, mối nguy từ việc liên tục triển khai quân từ cả hai phía trong khu vực này làm gia tăng nguy cơ về một vụ đụng độ hoặc tính toán sai lầm có thể dẫn tới xung đột.

Tháng trước, Tokyo nói rằng các tàu chiến của Trung Quốc đã ngắm bắn vào máy bay trực thăng và tàu khu trục của Nhật hồi tháng Một.

Bắc Kinh bác bỏ điều này nhưng các quan chức quân đội Mỹ lại thiên về quan điểm của Nhật.

Một nhà phân tích quân sự của Úc là Ross Babbage cho rằng “Chúng ta đang ở trong một vùng lãnh thổ cực kỳ nguy hiểm. Nhật Bản và Trung Quốc có thể rơi vào một cuộc chiến nghiêm trọng”.

Một số chuyên gia an ninh người Nhật và quốc tế nói rằng hải quân và lực lượng tuần tra biển đầy uy lực của Nhật vẫn chiếm ưu thế hơn trong các vùng biển tranh chấp nhưng điều này có thể thay đổi nếu Bắc Kinh tăng cường tuần tra.

“Tôi tin là lúc này Trung Quốc đang tập trung các nguồn lực vào biển Đông vì đây là nơi họ ưu tiên hơn” - Yoshihiko Yamada, chuyên gia và là giáo sư về chính sách biển tại Đại học Tokai, nói.

“Nhưng nếu họ dồn nhiều nguồn lực vào biển Hoa Đông hơn, thì chỉ riêng lực lượng tuần tra ven biển (Nhật) thôi thì sẽ không thể đối phó với tình hình”.

Sức ép lên Nhật

Có những dấu hiệu cho thấy lực lượng ven biển của Nhật đang cảm thấy sức ép từ tranh chấp này.

Họ lên kế hoạch xây dựng một đơn vị với 600 nhân sự, trang bị 12 tàu tuần tra triển khai quanh các đảo.

Đồng thời, Tokyo cũng tăng ngân sách mua tàu và máy bay lên 23% (348,15 triệu USD) cho năm tài khóa mới bắt đầu từ tháng Tư.

Tuy nhiên, lúc này Bắc Kinh đã rút hải quân khỏi các vùng biển trực tiếp bao quanh khu vực tranh cãi, nhưng các tàu chiến lại liên tục tuần tra vùng biển lân cận và các tuyến đường thủy quanh quần đảo do Nhật kiểm soát.

PLA cũng nói rằng ba trong số các tàu chiến tối tân nhất của họ, tàu khu trục có tên lửa Qingdao và các tàu khu trục nhỏ có tên lửa là Yantai và Yancheng có thể lập nên một hạm đội huấn luyện ở Hoàng Hải và biển Hoa Đông trong một đợt ra quân 18 ngày.

Một quan chức tình báo hải quân cấp cao của Mỹ là James Fanell hồi tháng Một cho rằng năm ngoái Hải quân Trung Quốc đã cử bảy nhóm hành động trên mặt biển tới vùng biển Philippines phía nam Nhật Bản.

Fanell nói thêm rằng Trung Quốc đã triển khai số tàu ngầm lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử tới vùng biển này.

“Chính xác thì hải quân Trung Quốc đang quy tụ vào một cuộc chiến trên biển và sẽ đánh chìm một hạm đội đối phương” – Fanell nói.

Vị quan chức Mỹ nói thêm rằng cơ quan giám sát hàng hải của Trung Quốc – vốn là đơn vị dân sự của PLA – đang trở thành ‘một tổ chức quấy rối chủ quyền biển toàn thời gian’ với mục tiêu là củng cố các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Trung Quốc có vẻ như sẽ tiếp tục triển khai thêm khi ngày 27/2 họ tuyên bố sẽ có 40 cuộc tập trận trong năm nay với trọng tâm là ‘các lợi ích cốt lõi liên quan tới an ninh’.

Các quan chức cấp cao Trung Quốc đã thẳng thừng nói rằng tuyên bố chủ quyền của Nhật đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một đòn tấn công vào một trong những lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh, một sự đối lập với Bắc Kinh trong việc xác định các ưu tiên quốc gia không bàn cãi.

Một số nhà phân tích quân sự cho rằng việc Bắc Kinh tiếp tục triển khai lực lượng quanh đảo tranh chấp là một phần trong chính sách lớn hơn nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền trong các tranh chấp khác ở Hoa Đông và biển Đông.

“Nếu Bắc Kinh bắt đầu khống chế được khu vực mà họ nói rằng là của mình, và nếu như đối phương không thể đáp trả hiệu quả, họ sẽ bắt đầu làm ra vẻ như có chủ quyền chính đáng đối với khu vực đó” – Holmes nói.

Tuy nhiên, Holmes nói rằng Nhật phải đáp trả cứng rắn hơn rất nhiều so với các quốc gia khác cũng có xung đột chủ quyền với Trung Quốc.

Trong khi xếp thứ hạng thấp hơn so với hải quân Trung Quốc, Hải quân Nhật vẫn được coi là một trong những hải quân mạnh nhất châu Á với các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu tối tân. Và, Tokyo còn có quan hệ đồng minh với Mỹ, mối quan hệ buộc Washington phải can thiệp nếu như Nhật Bản bị tấn công.

  • Lê Thu (Theo Reuters)