Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên càng dâng cao thì nỗi thất vọng ngày càng nhiều khi các chuyên gia coi đây là thất bại trong tất cả các nỗ lực của Mỹ nhằm chế ngự Triều Tiên.

{keywords}
Khả năng Triều Tiên phóng thử tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân đang khiến Mỹ và các nước láng giềng lo ngại. Ảnh: CNA

Nhiều thập kỷ đe dọa đã có lúc thịnh, lúc suy bất chấp vô số nỗ lực đặt ra để đối thoại hay trừng phạt Bình Nhưỡng, như các lệnh trừng phạt mới đây của Liên Hợp Quốc nhằm vào chính quyền này.

Những người theo dõi tình hình Triều Tiên thấy một chiều hướng quen thuộc mà trong đó, Bình Nhưỡng chồm lên đe dọa hoặc có những hành động như phóng tên lửa, thử hạt nhân trong một nỗ lực nhằm thể hiện sự tức giận và buộc Mỹ phải nhượng bộ.

Các nhà quan sát nhìn thấy những sự tương đồng giữa cuộc khủng hoảng gần đây nhất vào năm 1994, khi đó, Bình Nhưỡng đã nói với giọng đầy khiêu khích khi họ phải đối mặt với các sức ép từ chương trình hạt nhân vào đúng thời điểm chuyển giao chính trị cả ở Triều Tiên và Hàn Quốc.

Cuộc khủng hoảng năm 1994 kết thúc khi mà cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter bay tới Bình Nhưỡng, đặt ra một dự án năng lượng chung khơi nguồn cho một số sáng kiến khác.

“Tôi vẫn chẳng thấy giọng điệu mới đây nhất của Triều Tiên có gì sốc. Điều đó hoàn toàn có thể đoán trước được” – nhận định của Joel Wit, cựu quan chức Ngoại giao Mỹ phụ trách thực thi thỏa thuận năng lượng năm 1994. “Điều khác biệt lần này là họ đã có vũ khí hạt nhân”.

Triều Tiên đã trưng ra một kho vũ khí dữ dội trong cuộc khẩu chiến, với những lời đe dọa, các động tác mang tính biểu tượng, đe dọa tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, mặc dù các chuyên gia nghi ngờ điều này là bất khả. Trái lại, Mỹ cho các máy bay ném bom hạt nhân B-2 lượn qua bầu trời bán đảo Triều Tiên khi tập trận với Hàn Quốc.

Theo các nhà phân tích quân sự từng nghiên cứu về các điểm yếu cũng như điểm mạnh của quân đội Triều Tiên, Bình Nhưỡng vẫn không thể đánh trúng lục địa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, và các cơ hội giành phần thắng – hoặc thậm chí là trụ nổi – trong cuộc chiến lần hai với Hàn Quốc và Mỹ là rất ít.

Triều Tiên ‘không thể tấn công Mỹ hiệu quả bằng vũ khí hạt nhân’ - Joseph Bermudez, một học giả về Bình Nhưỡng, phân tích. Đất nước này chỉ có tên lửa Unha-3 là bắn ở tầm xa, nhưng không đáng tin cậy, và chẳng có chứng cứ nào cho thấy tên lửa này sẽ có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Các nhân tố khác trong cuộc khủng hoảng hiện nay bao gồm các dấu hỏi lớn về vị lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un và mức độ bực dọc của Trung Quốc đối với người láng giềng khó bảo.

Bruce Cumings – chủ nhiệm khoa Lịch sử thuộc Đại học Chicago và cũng là tác giả một số cuốn sách về Triều Tiên, nói rằng môi trường thông tin cập nhật 24h liên tục cũng đã thay đổi các động cơ đằng sau lời đe dọa của Bình Nhưỡng.

“Bạn ngay lập tức gây được sự chú ý trong thế giới mạng internet, điều này rất khác so với thời tôi thường đọc tin của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hồi đầu những năm 1990 muộn tới một tuần liền qua kênh của Tokyo, và bạn sẽ chẳng bao giờ biết là có ai quan tâm tới điều đó hay không” – Cumings nói.

Tuy nhiên, Cumings nói rằng các chiến thuật của Triều Tiên đi theo một khuôn mẫu thậm chí y như hồi trước chiến tranh 1950-1953, khi mà lãnh đạo Bình Nhưỡng thường xuyên đe dọa tiêu diệt Hàn Quốc.

“Với Triều Tiên thì luôn luôn là khi họ bị dồn vào chân tường, họ bất ngờ tung đòn và họ gây ra vấn đề. Họ nói ‘nếu muốn trừng phạt chúng tôi, thì đây sẽ là điều mà các người nhận được’” – ông Cumings nói thêm.

Căng thẳng ‘sẽ không thể tránh khỏi chừng nào mà Mỹ và Hàn Quốc không sẵn lòng làm việc với Triều Tiên’ – Cumings cảnh báo. “Những người Triều Tiên tiến hành mọi việc theo những cách tệ hơn nhưng họ lại luôn miệng nói rằng họ muốn đối thoại đặc biệt là với Mỹ”.

Nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã loại bỏ điều được cho là mục đích chính của Triều Tiên – chính là sự công nhận mang tính hình thức rằng họ là một quốc gia hạt nhân. Chính quyền Bình Nhưỡng coi đó là thứ vũ khí đảm bảo cho sinh tồn của mình.

Chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush cũng có cách làm tương tự. Ông Bush thậm chí còn xếp Triều Tiên vào ‘trục ma quỷ’, và ngay trong nhiệm kỳ của ông thì Bình Nhưỡng cho thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên.

Nhưng cũng giống như người tiền nhiệm Bill Clinton, ông Bush cũng cố gắng trong thời gian cuối nhiệm kỳ của mình để đạt được một thỏa thuận lịch sử xa vời với Triều Tiên.

Một số người bảo thủ ở Mỹ chỉ trích chính quyền Bush và kêu gọi một chiến lược hoàn toàn mới.

Trong số họ có Nghị sĩ Ed Royce, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện. Ông Ed Royce đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Obama không có bất kỳ thỏa thuận nào với Triều Tiên trong tương lai, và thay vào đó, tìm cách lật đổ chính quyền này.

Lê Thu (theo Japan Times)

Các tin liên quan

Nhìn pháo Triều Tiên, chẳng ai muốn đánh

Triều Tiên di chuyển tên lửa, trêu ngươi Mỹ, Hàn?

Thế giới 24h: Triều Tiên đang đùa với lửa