Đèn tắt, siêu thị hết hàng và những đoàn người nối dài chờ mua đồ dùng thiết yếu là cảnh thường thấy ở Tokyo trong lúc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Daichi ở Fukushima sau động đất và sóng thần ở vẫn chưa được giải quyết.


Một người đàn ông khóc cạnh nơi người mẹ của ông vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát ở Onagawacho, Miyagi. (Ảnh: CFP)

So lo sợ về phóng xạ, nhiều khu vực ở Tokyo vốn đông nghịt người trước kia nay trở nên vắng tanh. Nhiều người ở yên trong nhà hoặc cố gắng rời đi bằng mọi loại phương tiện có thể. Các công ty máy bay tư nhân nhận được yêu cầu của hàng nghìn khách hàng muốn sơ tán.

Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo kêu gọi công dân nước này sống trong bán kính 80km từ nhà máy Daichi hãy sơ tán hoặc ở trong nhà "để đề phòng" trong khi Bộ Ngoại giao Anh khuyến cáo công dân của mình hãy "xem xét rời khu vực". Nhiều nước khác cũng hành động tương tự.

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản yêu cầu tất cả những ai sống trong bán kính 20km phải sơ tán, đồng thời khuyên dân cư sống trong bán kính 30km ở trong nhà.

Hôm qua và hôm nay, phóng xạ ở Tokyo vẫn nằm trong các mức trung bình.

Chính phủ Nhật Bản khuyến cáo 13 triệu dân ở Tokyo về khả năng mất điện trên diện rộng song sau đó lại thông báo sẽ không xảy ra tình trạng này. Tuy nhiên, nhiều công ty đã tình nguyện cắt giảm điện, khiến cho nhiều khu vực của thành phố náo nhiệt này chìm trong bóng tối.

Hàng trăm nghìn người may mắn sống sót sau thảm họa kép ở các vùng thảm họa giờ đây lại khốn đốn vì thời tiết lạnh giá. Các nguồn cung nước sinh hoạt, nhiên liệu... vẫn rất thấp tại các trung tâm sơ tán.

Khoảng 30.000 hộ ở phía bắc vẫn tiếp tục chịu cảnh mất điện, theo Công ty Điện lực Tohuku. Chính phủ Nhật cho biết ít nhất 1,6 triệu hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt.

Đến hôm nay, các nhóm cứu hộ Nhật Bản và quốc tế vẫn tiếp tục chiến dịch tìm kiếm cứu trợ khổng lồ. Theo thống kê chính thức của Cục Cảnh sát quốc gia, 5.692 người thiệt mạng trong khi 9.522 người mất tích. Tuy nhiên, thương vong được cho là còn tăng cao khi khoảng 25.000 người có thể đã chết.

Trong lúc chật vật đối mặt thảm họa nhân đạo tồi tệ, Nhật Bản còn phải đương đầu với cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Daiichi. Bốn trong số 6 lò phản ứng đã bị nổ, cháy, hư hại thùng chứa hoặc nóng quá mức.

Sau nhiều ngày nỗ lực hạ nhiệt các lò phản ứng, các mức phóng xạ đã giảm dần trong sáng nay, hãng tin Kyodo trích dẫn các con số chính thức cho biết. Các nhà chức trách cũng đã bắt đầu lại nhiệm vụ phun nước của các xe tải trong khi các kỹ sư cố gắng phục hồi cáp điện để tái khởi động hệ thống làm lạnh của nhà máy.

Hôm nay, các kỹ sư Nhật Bản thừa nhận rằng chôn nhà máy bằng cát và bê tông có thể là cách duy nhất để ngăn chặn một sự rò rỉ phóng xạ thảm khốc, biện pháp đã được dùng để xử lý thảm họa Chernobyl năm 1986.

Thanh Hảo (Tổng hợp)