Các kỹ sư Nhật thừa nhận hôm nay (18/3) rằng chôn một nhà máy hạt nhân hư hại trong cát và bêtông có thể là giải pháp duy nhất có thể ngăn chặn được một sự rò rỉ phóng xạ tàn khốc, giống như những gì đã được áp dụng để xử lý thảm họa Chernobyl năm 1986.


Hơi nước bốc lên từ lò phản ứng số 3 tại tổ hợp hạt nhân Fukushima. (Ảnh: AP)

Các nhà chức trách cho biết, họ vẫn hy vọng có thể sửa được cáp điện nối tới ít nhất 2 lò phản ứng nhằm khởi động lại các máy bơm nước cần thiết để làm lạnh các thanh nhiên liệu hạt nhân đang quá nóng. Các công nhân cũng tiếp tục phun nước vào lò phản ứng số 3 vốn hư hại nặng nhất trong số 6 lò tại tổ hợp Fukushima.

Đây là lần đầu tiên Tập đoàn Điện lực Tokyo - hãng vận hành nhà máy Daiichi - thừa nhận rằng chôn tổ hợp hạt nhân hư hỏng này là một lựa chọn, dấu hiệu cho thấy các biện pháp như dùng trực thăng dội nước xuống có rất ít tác dụng.

"Không phải là không bọc được các lò phản ứng bằng bêtông. Nhưng ưu tiên của chúng tôi lúc này là cố gắng làm chúng bớt nóng đã", một quan chức thuộc Tập đoàn Điện lực Tokyo, nói tại một cuộc họp báo.

Đã hơn một tuần trôi qua kể từ khi động đất 9 độ Richter kéo theo sóng thần tàn phá đông bắc Nhật Bản, việc nước này vẫn chưa khắc phục được những sự cố xảy ra tại tổ hợp hạt nhân Fukushima khiến người lo ngại một thảm họa Chernobyl nữa lại xảy ra.

Hàng triệu người ở Tokyo vẫn tiếp tục ở trong nhà, lo sợ một vụ nổ chất phóng xạ từ tổ hợp ở cách xa 240km về phía bắc, mặc dù nhiều khả năng khói bụi hoặc hơi nước nhiễm xạ sẽ được gió thổi đi xa khỏi thành phố đông dân này và tiêu tan trên bầu trời Thái Bình Dương.

Khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản đã nhấn chuông báo động trên toàn cầu, khiến nhiều nước phải đánh giá lại an toàn tại các nhà máy điện nguyên tử của mình.   

Thanh Hảo
(Theo Reuters)