Hành động quân sự chống lại các lực lượng Libya trung thành với đại tá Muammar Gaddafi, vốn đã được Liên Hợp Quốc phê chuẩn, có thể xảy ra dưới sự chỉ huy của NATO hoặc của một liên minh do Pháp và Anh chỉ huy.



Hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle của Pháp, đang có mặt tại một căn cứ hải quân ở Toulon, có thể sẽ sớm được huy động. (Ảnh: Reuters) 

NATO cho hay, các đại sứ của liên minh sẽ gặp nhau để thảo luận về phản ứng, trong khi các nhà phân tích cho rằng đòn đầu tiên sẽ nhằm vào máy bay quân sự của Libya, các căn cứ không quân và hệ thống liên lạc. 

Tiếp sau đây là những tài sản có thể được sử dụng chống lại Libya và những gì thuộc về quân đội Gaddafi. 

Pháp

Pháp - nước đi đầu trong nỗ lực kêu gọi hành động chống chính phủ Libya - nhiều khả năng sẽ triển khai các chiến đấu cơ Mirage và Rafale từ căn cứ không quân gần các thành phố Marseille và Istres bên bờ Địa Trung Hải hoặc từ đảo Corsica. 

Một máy bay tiếp nhiên liệu cũng đã sẵn sàng cất cánh từ Istres. 

Các phi cơ chiến đấu có thể tới Libya trong vòng khoảng một giờ rưỡi từ miền nam nước Pháp và khoảng một giờ từ Corsica. 

Tàu sân bay Charles de Gaulle hiện đang ở Vịnh Toulon ở Địa Trung Hải, cũng đã sẵn sàng vào cuộc nhanh chóng.

Anh

Anh sẽ triển khai các máy bay tuần tra Typhoon và chiến đấu cơ Tornado đang đóng tại các căn cứ của Không lực Hoàng gia tại Scotland và Norfolk. Trong vài giờ tới, chúng sẽ được huy động tới các căn cứ gần Libya. 

Thủ tướng David Cameroon thông báo máy bay giám sát và tiếp nhiên liệu cũng sẽ được sử dụng. 

Anh có hai tàu khu trục nhỏ ở ngoài khơi Libya: HMS
Cumberland và HMS Westminster. Bộ Quốc phòng cho biết chưa rõ chúng có được sử dụng trong chiến dịch hay không. 

Mỹ

Tổng thống Barack Obama khẳng định Mỹ sẽ tham gia nhưng không dẫn đầu một hành động quân sự nào. Ông Obama tuyên bố sẽ không triển khai bộ binh ở Libya. 

Hiện Hải quân Mỹ có một hàng không mẫu hạm, USS Enterprise, cùng nhiều tàu chiến khác ở Địa Trung Hải.

Italy  

Ít có khả năng Italy sẽ tham gia không kích song được cho là sẽ cung cấp căn cứ không quân của mình tại Sigonella, Sicily, cho các hoạt động của NATO. Các chiến đấu cơ đi từ Sicily đến Libya mất khoảng nửa giờ. 

Na Uy

Na Uy cho biết họ có nhiều chiến đấu cơ F-16 sẵn sàng cho một chiến dịch ở Libya và có thể cung cấp máy bay vận tải Hercules để hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo.
 
Đan Mạch

Đan Mạch cho biết nước này sẽ gửi 6 máy bay F-16 và một máy bay vận tải quân sự tới hỗ trợ chiến dịch ở Libya. Các máy bay này sẵn sàng rời Đan Mạch vào ngày 19/3 để tới một căn cứ ở nam châu Âu cùng với khoảng 100 quân nhân, trong đó có các phi công. 

Hà Lan

Chính phủ Hà Lan cho biết họ ủng hộ vùng cấm bay trên bầu trời Libya và sẽ hỗ trợ một sự can thiệp quân sự nếu được yêu cầu. Tuy nhiên, nước này chưa nhận được đề nghị nào như vậy. 

Thụy Điển

Không phải là thành viên NATO, Thụy Điển có thể sẽ tham gia hỗ trợ thi hành vùng cấm bay ở giai đoạn sau. 

Các nước Ảrập

Ảrập Xêút, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) được xem là có nhiều khả năng hỗ trợ cho chiến dịch. 

Libya

Trước khi phong trào nổi dậy bùng nổ, quân đội Libya trên giấy tờ có 100.000 binh sĩ, được yểm trợ bởi các pháo hạng nặng, xe tăng, máy bay chiến đấu cùng một lực lượng hải quân nhỏ.

Sau khi làn sóng nổi dậy quét qua Libya, một số thành viên trong lực lượng vũ trang nước này đã đào tẩu và một số thiết bị vũ khí rơi vào tay phe đối lập. 

Sức mạnh của quân nổi dậy khó xác định được song các đơn vị được huấn luyện và trang bị tốt nhất - lên tới 12.000 quân - vẫn trung thành với đại tá Gaddafi vì họ ở bên ngoài cơ cấu quân sự và nằm dưới sự chỉ huy của các thành viên gia đình hoặc những người thuộc chính quyền Gaddafi.

Quân đội Libya bị suy yếu trước các đòn cấm vận và cô lập kéo dài. Nhiều trang thiết bị được bảo trì kém hoặc không sử dụng được nữa. 

Ở quanh Benghazi thuộc miền đông Libya, các lực lượng quân sự chính quy có vẻ như hoặc đào tẩu theo phe đối lập hoặc đang tan rã. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng phe đối lập thiếu sự chỉ huy và quyền kiểm soát. 

Thanh Hảo (Theo Reuters)