Nissan Motor cho biết tập đoàn dự định sẽ khởi động lại sản xuất trong tuần này tại 5 trong số 6 nhà máy bị ngưng hoạt động sau thảm họa động đất và sóng thần hôm 11/3.

Thông báo mới của Nissan nằm trong một loạt tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế Nhật Bản, quốc đảo vẫn còn choáng váng bởi thiên tai và khủng hoảng hạt nhân tại tổ hợp Fukushima.

Tập đoàn Sony, nhà xuất khẩu các mặt hàng điện tử dân dụng lớn nhất Nhật Bản, thông báo họ đang chuẩn bị tái mở cửa một nhà máy ở bắc Nhật Bản trong vài ngày tới.

Cả Honda và Toyota nói rằng họ đang khôi phục sản xuất tại các nhà máy trên khắp Nhật Bản, một động thái sẽ làm dịu tình trạng thiếu hụt các bộ phận và phụ tùng thay thế vốn đã khiến nhiều hãng ôtô trên thế giới bị gián đoạn sản xuất.

Mặc dù động đất và sóng thần phá hủy hàng trăm nghìn ngôi nhà và cướp mạng sống của hơn 8.000 người đến thời điểm này, thảm họa kép này không gây thiệt hại nghiêm trọng cho hầu hết các nhà máy ôtô của Nhật Bản. Tuy nhiên, tình trạng mất điện và thiếu nhiên liệu đã buộc nhiều nhà sản xuất phải cắt bớt hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung cấp khiến cho nhiều hãng ôtô khác buộc phải dừng các nhà máy ở những nơi xa như Tây Ban Nha hay Louisiana.

Hiện tại, các nhà sản xuất Nhật Bản đang tăng dần sản lượng. Toyota - hãng ngưng sản xuất tại tất cả các nhà máy và chi nhánh ở Nhật sau động đất - đã bắt đầu sản xuất các bộ phận thay thế tại 7 nhà máy không nằm trong khu vực bị động đất và sóng thần tấn công.

Bốn nhà máy do các công ty con Toyota điều hành nằm gần tâm chấn hơn và ảnh hưởng trực tiếp hơn hiện vẫn chưa hoạt động trở lại.

Các quan chức của Toyota cho biết tập đoàn dự định sẽ phục hồi sản xuất phụ tùng cho các nhà máy ở nước ngoài trong hôm nay (21/3). Một phát ngôn viên Toyota ở New York, Javier Moreno, nói công ty vẫn đang đánh giá chuỗi cung cấp của mình ở Nhật song việc sản xuất các bộ phận thay thế vẫn "trôi chảy".

Trong khi đó, ở Detroit, Giám đốc điều hành General Motors đã yêu cầu nhân viên trên toàn thế giới cắt bớt đi lại và những chi tiêu không cần thiết trong khi tập đoàn đánh giá những ảnh hưởng của thảm họa đối với các hoạt động của mình.

Trong khi khủng hoảng phủ bóng đen lên nền kinh tế Nhật, chi phí tái thiết được cho là sẽ vọt lên hàng trăm tỷ đôla. Ngân hàng Thế giới (WB) nói trong một thông báo ra hôm nay rằng họ hy vọng đây chỉ là sự tụt lùi tạm thời đối với tăng trưởng kinh tế ở Đông Á.

WB cho rằng, tăng trưởng sẽ bắt đầu bình phục trong nửa sau của năm, khi nỗ lực tái thiết của Nhật Bản được thực hiện toàn diện. Kinh nghiệm của nước này "cho thấy một nỗ lực tái thiết mau lẹ, và tác động ngắn hạn đối với các nền kinh tế ở khu vực Đông Á nhiều khả năng sẽ hạn chế", thông báo trên đánh giá.

Đến nay, con số tử vong chính thức sau động đất và sóng thần ở đông bắc Nhật Bản là 8.450 người và 12.931 người mất tích. Cảnh sát cho rằng hơn 15.000 người có thể đã chết chỉ tính riêng ở tỉnh Miyagi.

Về khủng hoảng hoạt nhân tại tổ hợp Fukushima, hôm nay, tất cả 6 bể chứa nhiên liệu tại nhà máy Daiichi đều nằm dưới điểm sôi (100 độ C), dấu hiệu cho thấy các nỗ lực làm mát các thanh nhiên liệu tại các lò này đang mang lại hiệu quả.

IAEA cho biết đã có nhiều diễn biến tích cực song bức tranh tổng thể vẫn rất nghiêm trọng. Phó Chánh văn phóng Nội các Nhật Bản Tetsuro Fukuyama thừa nhận đã có sự cải thiện ở mức độ nào đó tại các lác lò phản ứng của nhà máy Daiichi nhưng tình hình vẫn chưa chắc chắn.  

Thanh Hảo (Theo NY Times, Bloomberg)