Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay chống lại lực lượng vũ trang Libya trong vài ngày qua đã tạm thời ngăn được họ chống lại quân nổi dậy ở Benghazi. Tuy nhiên, mục tiêu lớn hơn của chiến dịch do Mỹ đứng đầu - "chặn các cuộc tấn công vào dân thường trên cả nước" như lời các quan chức liên minh - là một thách thức quân sự khó khăn gấp bội. 


TIN LIÊN QUAN:

Sứ mệnh dài hạn tại Libya vẫn là ẩn số
Libya còn nhiều vũ khí hóa học?
Tình báo Anh "đe" các tướng lĩnh Libya
Mục tiêu thực chất của cuộc chiến Libya
Chiến sự Libya đẩy giá vàng vọt cao
Libya tuyên bố lệnh ngừng bắn mới
Chùm ảnh Libya dưới hỏa lực của liên quân

Như những gì Mỹ và các đồng minh đã rút ra được từ nhiều cuộc xung đột trước kia, vấn đề không đơn giản là chỉ dùng chiến đấu cơ bay trên cao ngăn chặn một kẻ thù đầy quyết tâm như đại tá Muammar Gaddafi "nhắm vào kẻ thù" của ông trên mặt đất.

Phiến quân và dân thường leo lên nóc một xe tăng của quân đội Gaddafi để ăn mưng hôm 21/3. (Ảnh: EPA)

Thậm chí, nếu các cuộc không kích chống lại quân đội Gaddafi thành công trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công quy mô lớn thì nguy hiểm vẫn còn đó, ở chỗ lãnh đạo Libya sẽ chuyển sang các chiến thuật kín đáo hơn, trong đó có việc sử dụng lực lượng an ninh và các nhóm vũ trang trấn áp phe đối lập vốn đang tìm cách hạ bệ ông. 


Nếu tình hình không khả quan, Nhà Trắng và các đồng minh sẽ phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn về việc mở rộng hoạt động quân sự chống Gaddafi - bằng cách nối dài danh sách các mục tiêu tấn công từ trên không, trang bị cho lực lượng nổi dậy mà Mỹ cũng thừa nhận là không hiểu rõ lắm về họ, hoặc buộc phải truy đuổi Gaddafi trong nỗ lực đẩy ông khỏi chiếc ghế quyền lực. 


Đến thời điểm này, chính quyền Obama đã tránh những bước đi như vậy khi theo đuổi chính sách quân sự hạn chế ở Libya và trao quyền chỉ huy chiến dịch cho đồng minh. Nhưng rõ ràng Mỹ khó mà trụ được trước sức ép phải leo thang vai trò của mình nếu chiến dịch chung không mang lại kết quả "đẹp đẽ" như tính toán. 


"Lo ngại của tôi là tất cả sẽ kết thúc như thế nào", Tướng về hưu Jerome Jones, người từng là phó tư lệnh thuộc Bộ Chỉ Huy Các chiến dịch đặc biệt Không quân Mỹ, bày tỏ. "Bởi vì người dân không phản ứng theo cách mà chúng ta nghĩ họ sẽ làm. Chúng ta có rất ít các ví dụ lịch sử về việc không lực có thể giải quyết được một vấn đề chính trị. Và những gì chúng ta có ở Libya về cơ bản là một vấn đề chính trị".


Mặc dù các tư lệnh Mỹ mô tả mục tiêu quân sự là thực thi vùng cấm bay kể từ khi nó được thông qua hôm 19/3, những gì họ đang nhắm tới khó khăn hơn nhiều, đòi hỏi ở các phi công chiến đấu một sự phán đoán sắc bén tinh vi về cách thức phản ứng trước nhiều kịch bản khác nhau trên mặt đất. 


Các chỉ huy Mỹ nói mục tiêu của họ là bảo vệ dân thường khỏi những đòn trấn áp của chính quyền Libya mà không can thiệp vào phe nổi dậy. Nhưng họ phải thừa nhận mình đang cố gắng ngăn chặn Gaddafi tấn công vào vị trí của phe nổi dậy, tức là gần như can thiệp vào nhân danh phe này. 


Lần cuối cùng Mỹ đảm nhận một cuộc chiến trên không, chủ yếu vì các mục đích nhân đạo, là vào năm 1999 ở Kosovo, một tỉnh nhỏ ở Serbia nơi cảnh sát và các lực lượng quân sự trung thành với nhà lãnh đạo Nam Tư Slobodan Milosevic đang tiến hành một cuộc chiến nhằm vào người thiểu số Albania. 


Một quan chức trong chính quyền Clinton nghĩ Milosevic sẽ ra đi nhanh chóng sau khi NATO tiến hành không kích. Tuy nhiên, chiến dịch ném bom của họ kéo dài tận 78 ngày.


Nhà Trắng thời Clinton đã thề sẽ không gửi bộ binh Mỹ tới Kosovo - điều cam kết tương tự mà ông Obama vừa đưa ra trong chiến dịch chống Gaddafi Libya - dường như chỉ càng khiến cho Milosevic quyết tâm kháng cự.


Các quan chức Lầu Năm Góc hôm 21/3 khẳng định chiến dịch Libya đang diễn ra như dự tính. Sau 3 ngày không kích, các đơn vị Libya ở bên ngoài thành trì nổi dậy Bengazhi đã rút đi và hướng về phía nam, dường như để tránh bom. 


Tướng Carter Ham, tư lệnh Mỹ chỉ huy chiến dịchLibya, cho biết, sau khi làm tê liệt phần lớn hệ thống phòng không của Libya, trong những ngày tới, liên quân sẽ tập trung vào mở rộng cái gọi là vùng cấm bay về phía đông, đưa dần các thành phố dọc bờ biển Libya vào ô bảo vệ. 


"Điều đó không có nghĩa là chiến dịch kết thúc", một quan chức cấp cao Mỹ nói. "Gaddafi sẽ vẫn còn lực lượng bộ binh và chúng tôi tin rằng ông ta có kế hoạch sử dụng lực lượng này". 


Theo các quan chức quân sự Mỹ, nếu mọi sự diễn ra trôi chảy như dự định của Washington, sẽ có thêm vài tuần không kích nữa, chủ yếu là do các chiến đấu cơ của Anh, Pháp và các nước khác thực hiện. Tuy nhiên, các cuộc xung đột kiểu này rất ít khi diễn ra theo kế hoạch. 


Thanh Hảo (Theo LA Times)