Tảo hôn và bạo lực gia đình ở các trại tị nạn là một thực tế cuộc sống mà các cô gái trẻ Syria đang phải đối mặt sau khi rời quê nhà đi lánh chiến tranh.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


{keywords}
Lễ cưới của một cô dâu Syria 15 tuổi ở trại tị nạn Zaatari, Jordan.

Một trong một nhà lưu động không đồ đạc trên sa mạc Jordan, hơn chục phụ nữ, thiếu nữ và một bé trai bụ bẫm chen nhau đứng quanh một bé gái 15 tuổi. Một phụ nữ đang làm tóc cho em.

Bé gái ấy là Nada (tên đã được thay đổi), một trong hàng trăm nghìn người tị nạn đã rời Syria sang các nước láng giềng để tránh chiến tranh. Em đang ở cùng gia đình tại trại Zaatari - hiện là trại tị nạn lớn thứ 2 trên thế giới, và Nada sắp lấy chồng.

Sau màn trang điểm như geisha, ba phụ nữ xịt bột tan lên người em và diện cho em bộ váy thuê trước khi cô dâu nhí này được chồng đến đón.

Đó là một đám cưới kiểu Zaatari. Không giống như truyền thống ở thị trấn Dara'a của Syria, quê hương của cặp vợ chồng nhỏ tuổi, đám cưới của Nada không có những bữa tiệc xa xỉ, không có loa đài và cũng không có đông đảo bà con họ hàng tới dự. Vì không có điện nên mọi thứ phải xong trước khi mặt trời lặn.

"Chúng tôi mừng về đám cưới, nhưng niềm vui không xuất phát từ tâm can", cha của cô dâu trẻ, Mohamed - 35 tuổi - tâm sự.

Đó là một đám cưới mà người cha còn quá trẻ này không mong muốn. Nhưng sau 5 tháng ở Zaatari và tương lai vẫn mù mịt, Mohamed không còn có thể chu cấp cho Nada thêm nữa, vì vậy anh quyết định chấp nhận khoản tiền 125.000 lira (1.280 USD) và đồng ý cho con gái lấy một thanh niên 18 tuổi tên Mazen.

Mohamed còn nhiều con nhỏ phải chăm nuôi, trong đó có một con gái mới 2 tháng tuổi gầy trơ xương. "Ở đây như là Somalia vậy", Mohammed nói và chỉ vào đứa con nhỏ. "Chúng tôi đang chết dần chết mòn".

Cũng giống như nhiều người đàn ông trong trại tị nạn, Mohamed quyết định gả cưới con gái đầu lòng để bảo vệ con và cũng là có chút tiền lo cho gia đình. Anh cũng bày tỏ nỗi niềm lo lắng cho các bé gái cùng tuổi với Nada: "Có những lời đồn đại rằng nhiều đứa phải bán dâm để tự nuôi mình". Anh cũng sợ Nada sẽ bị cưỡng hiếp nếu chưa lấy chồng.

Theo báo chí, tảo hôn là một thực trạng đang ngày càng phổ biến giữa những người tị nạn Syria. Thật khó có thể thống kê có bao nhiêu đám cưới diễn ra ở Zaatari, nơi đang tập trung khoảng 150.000 người tị nạn Syria và đón nhận khoảng thêm 1.000 người mỗi ngày, theo văn phòng của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR).

Cưới hỏi diễn ra giữa các lều bạt và nhà lưu động, với các hợp đồng hôn nhân được soạn bởi các trưởng họ và không được gửi tới các nhà chức trách.

Thực tế, cuộc hôn nhân của Nada và Mazen là trái pháp luật. Tuổi được phép kết hôn ở Jordan là 18, tức là Nada và Mazen đang phạm tội. Điều đó có nghĩa là bất kỳ đứa con nào mà cặp đôi này sinh ra sẽ được coi như con hoang. Vị thế xã hội của đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng, việc xin giấy tờ và quốc tịch Jordan càng khó khăn và phức tạp hơn.

Cũng có nhiều hiểm họa về sức khỏe liên quan đến tảo hôn: Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, các biến chứng mang thai và sinh con là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho các bé gái tuổi 15-19 ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Thanh Hảo  (Theo Nation)