Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định 'lùi' một bước khi chuyển quyền quyết định đánh Syria cho Nghị viện Mỹ. Thế nhưng, Thượng viện Mỹ còn lùi sâu hơn nữa khi quyết định lùi ngày bỏ phiếu về việc ủy quyền sử dụng vũ lực tại Syria để ông Obama có thể thuyết phục Nghị viện và người dân Mỹ một cách công khai.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Syria: Can thiệp nhân đạo hay học thuyết trách nhiệm?

Syria, chi phí, tên lửa Tomahawk
Cuộc nội chiến tại Syria kéo dài hơn 2 năm, khiến hơn 100.000 người thiệt mạng.

 Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mỹ Harry Reid hôm qua nói rằng ông muốn 'đảm bảo rằng Tổng thống đưa vấn đề này ra trước Thượng viện và người dân Mỹ trước khi bỏ phiếu về vấn đề này'.

"Tôi không nghĩ là chúng ta cần xem là chúng ta làm việc này nhanh tới mức nào. Chúng ta cần thấy được đã làm việc này tốt ra sao" - ông Reid nói.

Nếu muốn Thượng viện thông qua kế hoạch tấn công Syria, ông Obama sẽ phải cần tới 60 trên 100 phiếu. Dù rằng phe Dân chủ của ông Obama kiểm soát Thượng viện, nhưng chưa có gì đảm bảo Tổng thống sẽ nhận đủ số phiếu cần thiết.

"Tôi thấy quá nhiều rủi ro, không kích chỉ là lợi bất cập hại vì nó sẽ gây ra một chuỗi các hệ quả có thể lôi kéo những người đàn ông và phụ nữ Mỹ chiến đấu trong một cuộc xung đột kéo dài nữa ở Trung Đông" - Thượng nghị sĩ Lamar Alexander ở phe Cộng hòa nói.

Việc thông qua kế hoạch của ông Obama tại Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát hứa hẹn còn nhiều khó khăn hơn nữa vì ngày càng nhiều Nghị sĩ Hạ viện lên tiếng phản đối các cuộc không kích.

Khi mà Tổng thống Obama chuẩn bị thuyết phục người dân Mỹ về việc tại sao phải can thiệp quân sự vào Syria ngày hôm nay (giờ Mỹ), các quan chức quân đội cấp cao đang vật lộn với câu hỏi then chốt được coi như 'nền móng' cho việc lên kế hoạch chiến dịch: Việc can thiệp này sẽ kết thúc như thế nào?

Nói cách khác, hành động của Mỹ liệu có thể nào chỉ giới hạn ở mức độ 'làm suy yếu và ngăn cản' Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí khóa học như các quan chức Mỹ từng hứa hẹn?

Chưa trả lời được câu hỏi này, các nhà lập pháp Mỹ khó lòng mau chóng bỏ phiếu thông qua kế hoạch hành động của Tổng thống.

Điểm then chốt của chiến dịch được vạch ra vào lúc này đó là sử dụng các tên lửa hành trình phóng từ chiến hạm Mỹ nhằm vào bất kỳ kho đạn dược nào của ông Assad có thể được dùng để khai hỏa vũ khí hóa học lên người dân thường. Kho đạn dược này bao gồm các hỏa tiễn và đạn pháo, cũng như những nơi mà tình báo Mỹ xác định là các cơ quan đầu não của quân đội thực hiện việc lên kế hoạch và tiến hành tấn công hóa học.

Theo Tướng Martin Dempsey, kế hoạch này nhằm 'giảm thiểu các thiệt hại' về người hết mức có thể. Kế hoạch này được coi là một cơ hội để gửi đi lời cảnh báo tới ông Assad và những kẻ tình nghi lên kế hoạch tấn công vũ khí hóa học với dân thường.

Vậy còn ông Assad? Liệu ông có 'án binh bất động' để chờ quân đội Mỹ tiến hành các vụ tấn công, nếu như ông Obama ra lệnh cho Lầu Năm Góc? Hẳn nhiên là không.

Ngày hôm qua, trên kênh truyền hình CBS của Mỹ, cũng chính ông Assad lên tiếng rằng một cuộc không kích của Mỹ sẽ chỉ chọc tức ông mà thôi.

Tổng thống Syria còn nói về một cuộc chiến tranh hóa học. "Điều đó có thể xảy ra, nó phụ thuộc vào việc liệu những người nổi dậy và khủng bố trong khu vực hay bất kỳ nhóm nào khác có được vũ khí hóa học hay không. Tôi không biết nữa. Tôi không phải là thầy bói" - ông Assad nói. "Không ai nghĩ tới sự kiện 11/9. Khi mọi thứ đứng trên bờ vực của sự bùng nổ, mọi người phải lường trước tất cả".

Một số nghị sĩ, trong đó có cả John McCain, đang hối thúc phản đối kế hoạch không kích chỉ nhằm vào các kho vũ khí hóa học.

"Nếu thế, thông điệp của một vụ không kích hạn hẹp có thể chỉ đi ngược lại với những dự định của Mỹ" - nhận định của Anthony Cordesman, một nhà phân tích quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

"Tệ hơn là, những hành động như thế có thể khiến các chính quyền ngờ vực việc sử dụng vũ khí với giá trị hạn chế, như là các vũ khí hóa học, để ngăn cản việc can thiệp quốc tế. Thay vào đó, họ có thể được khuyến khích để sử dụng vũ khí hạt nhân, chiến trang mạng hay ủng hộ các thành phần phi chính phủ" - Cordesman nói thêm.

Nhưng đây mới thực sự là vấn đề với các cuộc không kích quân sự giới hạn: Những cuộc không kích này hầu như không bao giờ ở trong 'giới hạn' ban đầu - Tướng Barno, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, viết.

"Hệ quả dễ xảy ra nhất đối với các cuộc không kích như vậy ở Syria chính là: chiến tranh bùng nổ với một chính quyền bạo dạn hơn, cả khu vực thành chảo lửa, và sức ép liên tục lên Washington phải làm nhiều hơn nữa để ngăn đổ máu" - Tướng Barno viết.

"Assad sẽ không thoái lui, sự tồn vong của ông ta gặp nguy hiểm. Đơn giản là không ai nhìn thấy một cái kết có hậu. Sự trượt dốc không thể tránh khỏi nhanh chóng đẩy Mỹ can dự ngày càng sâu hơn nữa mà thôi".

Lê Thu (theo CNA/SCM)