Cơ sở pháp lý duy nhất cho bất kỳ hành vi can thiệp quân sự nào vào Syria là một nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua theo Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc.

Bài 1:Can thiệp quân sự vào Syria: Cơ sở pháp lý nào?

Học thuyết "can thiệp nhân đạo"

Trong trường hợp Syria, Chính phủ Anh đã chính thức tiếp tục viện dẫn đến học thuyết "can thiệp nhân đạo" (humanitarian intervention) làm cơ sở pháp lý cho việc can thiệp quân sự trong tương lai của mình.

Trong tài liệu trình bày lập trường pháp lý của mình, bên cạnh việc lên án việc sử dụng vũ khí hóa học của Chính quyền Assad như là tội ác quốc tế và vi phạm nguyên tắc tập quán quốc tế về cấm sử dụng vũ khí hóa học, Chính phủ Anh khẳng định "cơ sở pháp lý của hành động quân sự sẽ là can thiệp nhân đạo; mục đích là để làm giảm thương tổn nhân đạo bằng việc răn đe và ngăn cản việc sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai."[1]

Cũng theo tài liệu này, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ tiếp tục tìm kiếm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an theo Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), trong đó cho phép các quốc gia thành viên Liên hợp quốc tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ thường dân khỏi vũ khí hóa học. Tuy nhiên, Chính phủ Anh cũng cho rằng nếu việc thông qua nghị quyết như vậy bị cản trở, Anh "vẫn được phép theo luật pháp quốc tế để có những biện pháp ngoại lệ" nhằm can thiệp vào Syria và Anh có cơ sở pháp lý để làm điều đó "theo học thuyết can thiệp nhân đạo".

Trong tài liệu của mình, Anh liệt kê ra ba (03) điều kiện cho việc can thiệp nhân đạo là: (i) có bằng chứng thuyết phục về thảm họa nhân đạo ở diện rộng đòi hỏi phải xử lý ngay lập tức; (ii) không có phương cách khác ngoài việc sử dụng vũ lực để cứu sinh mạng; và (iii) việc can thiệp phải hạn chế về thời gian và mục tiêu. Anh cho rằng mình có quyền can thiệp vào tình hình Syria vì ba điều kiện này đã được đáp ứng.

Điều đáng ngạc nhiên đó là tài liệu về lập trường pháp lý của Anh tuy đề cập đến nghị quyết theo Chương VII của Hiến chương LHQ, qua đó ngầm thừa nhận tính ngoại lệ của nguyên tắc chung về cấm sử dụng vũ lực theo Điều 2(4) của Hiến chương, lại không phân tích mối quan hệ giữa học thuyết "can thiệp nhân đạo" và Điều 2(4) này. Thực chất, đây vẫn là điểm chưa được làm sáng tỏ và gây nhiều tranh cãi về học thuyết này. Dù vậy, một số học giả vẫn cố gắng "dung hòa" học thuyết "can thiệp nhân đạo" với Điều 2(4) Hiến chương LHQ bằng việc đưa một số cách giải thích khác nhau về điều khoản này.

{keywords}

Chính quyền Hoa Kỳ và Anh đang tìm cách có được một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ

Thứ nhất, một số học giả cho rằng nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực theo Điều 2(4) của Hiến chương LHQ chỉ áp dụng đối với những hành vi sử dụng vũ lực "chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị" của các quốc gia khác. Lập luận này "phớt lờ" lịch sử đàm phán Hiến chương LHQ. Cụm từ "chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị" được đưa vào trong Hiến chương LHQ theo đề nghị của Australia để bảo vệ các quốc gia nhỏ trong quan hệ quốc tế nhưng không hề với mục đích giới hạn hay giải thích khái niệm "sử dụng vũ lực".[2]

Một cách giải thích khác đó là can thiệp nhân đạo không phải là hành vi sử dụng vũ lực "theo một cách không phù hợp với mục đích của LHQ" do bảo đảm và thúc đẩy nhân quyền cũng là một mục tiêu của LHQ. Lập luận này hoàn toàn không thuyết phục. Như trên đã nói, LHQ được thành lập sau khi thế giới đã trải qua hai cuộc chiến tang thương với nhiệm vụ chính là ngăn ngừa những cuộc chiến tương tự xảy ra và nguyên tắc chung về cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế như được thể hiện trong Điều 2(4) đã được ghi nhận như một trong những nguyên tắc cơ bản để đạt được điều này. Khó có thể tin rằng, mục tiêu đầu tiên ngăn ngừa tái diễn xung đột của LHQ lại có ít giá trị hơn và do đó phụ thuộc vào mục tiêu bảo đảm nhân quyền.

Bên cạnh hai cách giải thích nói trên về Điều 2(4), những học giả ủng hộ học thuyết "can thiệp nhân đạo" còn đưa ra một lập luận nữa đó là quyền "can thiệp nhân đạo" đã trở thành một quy phạm có tính chất tập quán quốc tế và theo đó sửa đổi hoặc ít nhất không chịu ảnh hưởng của nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực ghi nhận tại Điều 2(4) Hiến chương LHQ.

Có một số khó khăn với lập luận này. Đúng là trong lịch sử của luật pháp quốc tế, quyền để can thiệp vào quốc gia khác vì mục đích nhân đạo, đặc biệt đối với những quốc gia tại đó người dân bị đối xử tàn bạo đã từng được thừa nhận bởi các luật gia quốc tế, ít nhất là vào cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, sang thế kỷ 20, đặc biệt sau khi đặt ra nguyên tắc chung về cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và chỉ thừa nhận một cách hạn chế các ngoại lệ đối với nghĩa vụ chung này, luật pháp quốc tế không còn thừa nhận quyền của các quốc gia đơn lẻ được can thiệp bằng vũ lực trên cơ sở nhân đạo.

Ngay cả trong một số trường hợp can thiệp rõ ràng vì mục đích nhân đạo, các quốc gia cũng không viện dẫn đến học thuyết này.[3] Đáng chú ý là, khi phản đối một trong những vụ việc can thiệp trước đây chính Anh là một trong những nước đã từng tuyên bố rằng những vi phạm nhân quyền không phải là cơ sở để biện minh cho việc sử dụng vũ lực.[4] Gần đây hơn, bản thân Tổng Chưởng lý của Chính phủ Anh khi được hỏi ý kiến về cuộc chiến tại Iraq năm 2003 đã bình luận rằng, học thuyết can thiệp nhân đạo là gây tranh cãi.[5]

Đặc biệt, đối với trường hợp NATO không kích Nam Tư cũ năm 1999, sự kiện vẫn được một số quốc gia trích dẫn như là ví dụ tiêu biểu về "can thiệp nhân đạo", Ủy ban Quốc tế Độc lập về Kosovo, đã kết luận rằng việc can thiệp này là "bất hợp pháp do không có được sự đồng ý trước từ Hội đồng Bảo an".[6] Lời khẳng định mạnh mẽ nhất về việc không tồn tại cái gọi là quyền can thiệp nhân đạo trong luật pháp quốc tế được đưa ra trong Tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh phương Nam năm 2000, theo đó 130 nước đang phát triển trong Nhóm G77 tuyên bố: "Chúng tôi bác bỏ cái gọi là "quyền" can thiệp nhân đạo, thứ không hề có cơ sở pháp lý trong Hiến chương LHQ hay các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế."[7]

Rõ ràng học thuyết "can thiệp nhân đạo", theo đó một quốc gia có quyền sử dụng vũ lực can thiệp vào một quốc gia khác trên cơ sở đánh giá chủ quan của mình về tình hình của quốc gia khác, là không thể chấp nhận được trong quan hệ quốc tế. Quyền sử dụng vũ lực như vậy rất dễ bị lạm dụng để tạo bình phong cho các nước lớn tiến hành các cuộc chiến chống lại các nước nhỏ. Đây chính là điều các nước đang phát triển lo ngại.

Việc phủ nhận quyền "can thiệp nhân đạo" trong luật pháp quốc tế hiện đại là cần thiết và đúng đắn. Nói như vậy không có nghĩa là cộng đồng quốc tế "bàng quan" đối với những vi phạm nghiêm trọng quyền con người hay những thảm họa nhân đạo. Ngược lại, cộng đồng quốc tế nhất trí lên án những trường hợp như vậy và cùng nhau xây dựng một học thuyết mới có tên gọi "trách nhiệm bảo vệ", với hi vọng việc can thiệp quân sự vì lý do nhân đạo sẽ được tiến hành một cách hợp lý, hiệu quả và ít gây tranh cãi hơn.

Học thuyết "trách nhiệm bảo vệ"

Thế kỷ 20 đóng lại với những tranh cãi về cuộc tấn công của NATO tại Nam Tư cũ theo học thuyết "can thiệp nhân đạo". Thế kỷ 21 lại mở ra với nỗ lực của cộng đồng quốc tế để đưa vào khuôn khổ việc can thiệp trong tình huống thảm họa nhân đạo thông qua việc phát triển học thuyết "trách nhiệm bảo vệ" ("Responsibility to Protect" hay thường được viết tắt là "R2P").

Khái niệm R2P bắt nguồn từ báo cáo với tên gọi như vậy[8] của "Ủy ban quốc tế về Can thiệp và Chủ quyền quốc gia" do Chính phủ Canađa thành lập. Các thành viên độc lập trong Ủy ban cho rằng, việc can thiệp vào một quốc gia để giải thoát người dân khỏi những mất mát hay thiệt hại nghiêm trọng gây ra bởi nội chiến hay bạo động... không phải là "quyền", mà đã trở thành một "nghĩa vụ" đối với quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Trong báo cáo của mình, Ủy ban đưa các nguyên tắc cho R2P như sau: (A) chủ quyền quốc gia đi kèm với trách nhiệm và trách nhiệm chính cho việc bảo vệ người dân là nằm về phía quốc gia; (B) khi người dân phải gánh chịu những thiệt hại nghiêm trọng do nội chiến, bạo động hay đàn áp hoặc nhà nước thất bại, và quốc gia liên quan không thể hoặc không muốn ngăn chặn tình trạng đó thì nguyên tắc không can thiệp phải tuân thủ trách nhiệm quốc tế về nghĩa vụ quốc gia.[9]

Cách tiếp cận trong R2P của UBQT về Can thiệp và Chủ quyền quốc gia dường như dễ chấp nhận hơn học thuyết "can thiệp nhân đạo", và báo cáo của Ủy ban sau khi được chuyển đến LHQ đã nhận được sự hưởng ứng tích cực. R2P được ghi nhận trong báo cáo về "Một thế giới an ninh hơn" của Nhóm cấp cao (High-level Panel) do Tổng thư ký LHQ thành lập để xem xét tương lai cơ chế an ninh tập thể của LHQ sau những tranh cãi liên quan dến cuộc chiến tại Iraq năm 2003.[10] Bản thân Tổng thư ký LHQ cũng xem xét R2P trong báo cáo "Một nền tự do rộng lớn hơn" của mình năm 2005.[11]

Đỉnh cao của sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với R2P được thể hiện tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ của LHQ năm 2005, khi mà R2P đối với "tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh, thanh lọc sắc tộc và tội ác chống lại nhân loại" được nhất trí ghi nhận trong văn bản cuối cùng của Hội nghị - "Kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới".[12] Tài liệu ghi nhận nghĩa vụ chính trong việc bảo vệ người dân trước các tội ác nói trên là thuộc về quốc gia, trong khi cộng đồng quốc tế cần khuyến khích và giúp đỡ các quốc gia thực hiện nghĩa vụ này, cũng như có nghĩa vụ sử dụng các biện pháp ngoại giao, nhân đạo và các biện pháp hòa bình khác để giúp bảo vệ người dân.

Trong trường hợp các biện pháp hòa bình không phát huy tác dụng và chính quyền quốc gia rõ ràng không bảo vệ người dân của mình, Hội nghị Thượng định Thế giới tuyên bố tại đoạn 139 của Tài liệu rằng: "chúng ta sẵn sàng thực hiện các biện pháp tập thể một cách kịp thời và quyết đoán thông qua Hội đồng Bảo an phù hợp với Hiến chương, kể cả Chương VII, trên cơ sở từng vụ việc và với sự hợp tác của các tổ chức khu vực khi thích hợp."

Đương nhiên một vấn đề nhạy cảm liên quan đến chủ quyền quốc gia và an ninh quốc tế không thể tránh khỏi những tranh cãi. Vấn đề đáng quan tâm đầu tiên là R2P có đưa đến một quy phạm mới trong luật pháp quốc tế, hay nó vẫn dựa trên cơ chế hiện hành của hệ thống an ninh tập thể để điều chỉnh vấn đề sử dụng vũ lực. Câu trả lời dường như nghiêng theo hướng thứ hai như được thể hiện tại đoạn 139 của Tài liệu trích dẫn bên trên.

Một vấn đề gây tranh cãi nữa đó là phản ứng của cộng đồng quốc tế sẽ thế nào nếu Hội đồng Bảo an không thực hiện chức năng của mình. Cụ thể hơn, với học thuyết "trách nhiệm bảo vệ", các quốc gia có được đơn phương tiến hành các biện pháp can thiệp trong trường hợp Hội đồng Bảo an không thể hành động để ngăn chặn những thảm họa nhân đạo đang diễn ra không? Các tuyên bố và tài liệu hiện có không đưa ra câu trả lời dứt khoát cho vấn đề này.[13]

Dù vậy, có thể lập luận rằng nếu như R2P không đưa lại một quy phạm mới của luật quốc tế, việc sử dụng vũ lực cần tiếp tục được điều chỉnh trong khuôn khổ pháp lý hiện tại. Điều này có nghĩa là, mọi hành vi can thiệp đơn phương là không được phép. Thực tiễn quốc tế cho thấy không có sự ủng hộ cho việc can thiệp đơn phương với danh nghĩa cộng đồng quốc tế hay dưới danh nghĩa R2P.

{keywords}

Người dân Syria cầu nguyện cho các nạn nhân và lên án việc sử dụng vũ khí hóa học (Ảnh: AP)

Cho đến nay, tuy có những khó khăn trong một số tình huống cụ thể, Hội đồng Bảo an đã đôi lần dẫn chiếu, trực tiếp hoặc gián tiếp, đến R2P trong các nghị quyết của mình. Trước năm 2006, trong các nghị quyết của mình liên quan đến cuộc xung đột giữa chính phủ Sudan và quân nổi loạn gây ra chết chóc đến 200.000 người, Hội đồng Bảo an khẳng định trách nhiệm bảo vệ chính là thuộc về chính phủ Sudan, một sự gián tiếp khẳng định nguyên tắc của R2P. Năm 2006, lần đầu tiên R2P xuất hiện rõ ràng trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Darfu (Sudan).[14]

Hành động can thiệp quân sự đầu tiên theo học thuyết R2P thường được nhắc đến là chiến dịch "Bình minh Odyssey" phát động theo Nghị quyết số 1973 năm 2011 của Hội đồng Bảo an để "bảo vệ thường dân và cũng vùng dân cư bị đe dọa tấn công" tại Libya. Nhiều quốc gia coi đây là bước ngoặt trong việc sử dụng thành công R2P[15] của Hội đồng Bảo an, dù rằng việc triển khai Nghị quyết 1973 trên thực tế cũng đem đến không ít những tranh cãi và R2P được thể hiện trong ngôn ngữ của Nghị quyết cũng có nhiều điểm phải bàn.

Với nội hàm như trên và qua thực tiễn của Hội đồng Bảo an cho thấy R2P tự thân nó không phải là cơ sở pháp lý cho việc tiến hành hành động quân sự. Thay vào đó, chức năng của R2P có lẽ là định ra các tiêu chí (các tình huống cụ thể) cho hành động quân sự, đồng thời xác định trách nhiệm cụ thể của những bên liên quan. Việc can thiệp quân sự, kể cả theo R2P, hiện nay vẫn theo cơ chế an ninh tập thể của LHQ mà tại đó Hội đồng Bảo an đảm nhiệm chức năng chính.

Kết luận

Phân tích trên cho thấy, cơ sở pháp lý duy nhất cho bất kỳ hành vi can thiệp quân sự nào vào Syria là một nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua theo Chương VII Hiến chương LHQ. Học thuyết "can thiệp nhân đạo" hay R2P không tạo thành cơ sở pháp lý cho việc can thiệp đơn phương vào một quốc gia khác, ngay cả vì mục đích nhân đạo.

Chính vì lý do trên, chính quyền Hoa Kỳ và Anh đang tìm cách có được một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.[16] Và điều này là đúng đắn. Bất kỳ hành vi đơn phương nào được tiến hành mà thiếu vắng sự đồng thuận cộng đồng quốc tế sẽ tạo thành tiền lệ nguy hiểm, đe dọa đến trật tự an ninh quốc tế đã được hình thành và duy trì từ sau khi LHQ được thành lập. Đó cũng là lý do mà không ít quốc gia đã lên tiếng phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Syria trước khi được phép của Hội đồng Bảo an LHQ.

Về lý thuyết, một nghị quyết của Hội đồng Bảo an theo Chương VII của Hiến chương LHQ cho phép tiến hành can thiệp quân sự vào Syria không phải là bất khả thi. Thực tiễn của Hội đồng Bảo an giai đoạn sau Chiến tranh lạnh đã làm sáng tỏ (hay nói đúng hơn là mở rộng) khái niệm đe dọa đến hòa bình để nó có thể bao trùm lên tình hình hiện nay ở Syria, nơi xảy ra nội chiến và có những dấu hiệu của sự vi phạm luật pháp quốc tế về điều chỉnh xung đột vũ trang.

Không ít lần Hội đồng Bảo an đã coi những cuộc nội chiến tại các quốc gia ở châu Phi[17] hay ngay tại châu Âu (trong trường hợp Nam Tư cũ) là mối đe dọa với hòa bình. Hơn nữa, những đau thương và chết chóc mà các cuộc nội chiến gây ra đối với thường dân, hay việc vi phạm trên diện rộng các quy phạm của luật pháp quốc tế trong xung đột vũ trang, cụ thể là việc nhằm vào thường dân và những người không tham gia chiến sự khác, cũng có thể bị coi là mối đe dọa đối với hòa bình trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an.[18] Bài học minh họa gần đây nhất chính là việc Hội đồng Bảo an cho phép can thiệp quân sự vào Libya (một việc mà chính nó sau này cũng đem đến thêm nhiều bài học khác nữa).

Cuối cùng, cần lưu ý rằng Nga cũng không phải là hoàn toàn bác bỏ khả năng can thiệp quân sự trên cơ sở một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.[19] Vấn đề cốt yếu giờ đây là phải chứng minh một cách thuyết phục rằng tình hình ở Syria thực sự đã đe dọa đến hòa bình đến mức mà Hội đồng Bảo an cần hành động.

Nguyễn Đăng Thắng

-------------

[1] Prime Minister's Office, 10 Downing Street, "Chemical weapon use by Syrian regime: UK government legal position", 29/8/2013, tại https://www.gov.uk/government/publications/chemical-weapon-use-by-syrian-regime-uk-government-legal-position/chemical-weapon-use-by-syrian-regime-uk-government-legal-position-html-version .

[2] Xem Ian Brownlie, International Law and the Use of Force by States (Oxford: Clarendon Press 1963), trang 257.

[3] Xem các ví dụ trong Gray, International Law and the Use of Force, các trang 33-4.

[4] Như trên, 34.

[5] "Attorney General's Advice On The Iraq War Iraq: Resolution 1441" (2005) 54 International and Comparative Law Quarterly 767, đoạn 4.

[6] The Independent International Commission on Kosovo, The Kosovo Report (Oxford: Oxford University Press, 2000), trang 4.

[7] Bản tiếng Anh "Group of 77 South Summit, Havana, Cuba, 10-14 April 2000", đoạn 54, có tại http://www.g77.org/summit/Declaration_G77Summit.htm. Nhóm G77 là nhóm các nước đang phát triển thành lập bằng tuyên bố của 77 nước ngày 15 June 1964 tại cuối phiên họp đầu tiên của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển. Mục đích của Nhóm là để thúc đẩy lợi ích kinh tế chung của các quốc gia đang phát triển và tạo đối trọng trong đàm phán quốc tế về các vấn đề kinh tế quốc tế  trong hệ thống liên hợp quốc cũng như thúc đẩy hợp tác phát triển giữa các nước đang phát triển. Thành viên của Nhóm giờ đây không chỉ giới hạn ở 77 nước sáng lập mà đến thời điểm hiện nay đã tăng lên 131 quốc gia. Thông tin xem tại http://www.g77.org/doc/ .

[8] Report of the International Commission on Intervention and State Sovereignty (ICISS) "The Responsibility to Protect" (2001), in thành Phụ lục của Tài liệu Liên hợp quốc số A/57/303.

[9] Như trên, Tóm tắt Kết luận, trang X.

[10] "A More Secure World:  Our Shared Responsibility", Tài liệu Liên hợp quốc số A/59/565 ngày 02/12/2004, các đoạn 199-203.

[11] "In Larger Freedom", Tài liệu Liên hợp quốc số A/59/2005, các đoạn 132-5.

[12] "2005 World Summit Outcome", Tài liệu Liên hợp quốc số A/Res/60/1 ngày 24/10/2005, các đoạn 138-9.

[13] Tài liệu của Ủy ban quốc tế về Can thiệp và Chủ quyền quốc gia ủng hộ hành động đơn phương nếu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không ra được quyết định, nhưng các tài liệu của Liên hợp quốc, đặc biệt là Kết quả Hội nghị Thượng định, không quy định về vấn đề này.

[14] Nghị quyết 1706 năm 2006 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cũng xem các nghị quyết 1755 và 1784 năm 2007 về cùng vấn đề.

[15] Ngoài ra, cũng có quan điểm cho rằng trường hợp Bờ Biển Ngà - nơi can thiệp vũ trang từ bên ngoài theo Nghị quyết số 1975 năm 2011 của Hội đồng Bảo an đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt xung đột bùng phát sau cuộc bầu cử tổng thống năm trước đó - cũng là ví dụ về việc áp dụng thành công R2P của Hội đồng Bảo an - một quan điểm được Tổng thư ký Liên hợp quốc ủng hộ. Tuy nhiên, không phải tất cả đều chia sẻ quan điểm này. Đáng lưu ý, trước đó, trong nghị quyết của mình, Hội đồng Bảo an khẳng định nghĩa vụ bảo vệ trước hết thuộc về chính quyền Bờ biển Ngà.

[16] Anthony Faiola và Debbi Wilgoren  "Britain to propose authorizing action against Syria; U.N. chief urges caution", Washington Post 28/8/2013, có tại http://www.washingtonpost.com/world/middle_east/britain-to-propose-authorizing-action-against-syria-un-chief-urges-caution/2013/08/28/56557a10-0fd5-11e3-8cdd-bcdc09410972_story.html

[17] Các cuộc nội chiến tại Liberia, Angola, Rwanda, Burundi, Zaire (nay là Cộng hòa dân chủ Công-gô), Cộng hòa Trung Phi, Sierra Leone.

[18] Xem Nghị quyết số 1296 ngày 19/4/2000 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

[19] Thomas Grove, "Putin 'does not rule out' approving Syria strike with evidence Assad used poison gas", Reuters 04/9/2013 tại http://www.reuters.com/article/2013/09/04/us-syria-crisis-russia-idUSBRE98307M20130904. Cũng xem Lê Thu , "Putin nói "đồng ý không kích Syria nếu..."", Vietnamnet 04/9/2013 tại http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/138777/putin-noi--dong-y-khong-kich-syria-neu----.html.