Hàng nghìn người sống sót sau siêu bão đã đổ xô về sân bay hôm 12/11 để thoát khỏi khu vực bị tàn phá nhưng chỉ vài trăm người thành công, bỏ lại đằng sau thành phố tan hoang đang thiếu nước, lương thực và xác chết rải khắp nơi
.
Khi hia chiếc máy bay C-130 của không quân Philippines hạ cánh tại sân bay Daniel Romualdez sau lúc bình minh, hơn 3.000 người đã lao tới đường băng, tràn qua các hàng rao sắt bị đổ và cố leo lên máy bay, song cảnh sát và binh sĩ đã khiến họ phải lùi bước.
Nhiều bà mẹ đã nâng cao con lên quá đầu, dù trời mưa, với hy vọng được lên máy bay. Một phụ nữ trong độ tuổi 30 nằm trên cáng, co giật không kiểm soát được.
"Tôi đã cầu xin các binh sĩ. Tôi quỳ xuống và van xin vì tôi bị tiểu đường", Helen Cordial, nói. "Phải chăng họ muốn tôi chết ở sân bay. Họ có trái tim bằng đá". Nhà của Helen đã bị phá hủy trong bão.
Vụ giẫm đạp thứ hai xảy ra chiều qua khi các nạn nhân bão lao tới một chiếc máy bay C-130 của không quân Mỹ, cố leo lên đó và thoát khỏi thành phố. Tuy nhiên, họ đã bị cảnh sát buộc phải lùi bước.
Rafel Doron, lãnh đạo Cục phòng cháy ở nam Leyte nói, những nỗ lực của đội cứu trợ nhằm giúp cư dân thành phố là không đủ, do quy mô phá hủy xảy ra ở Tacloban và những nơi khác ở đông Samar.
Tiền bạc dường như không có giá trị tại thành phố này, mọi người thà có lương thực, nước, điện và các phương tiện liên lạc khác. "Cả thành phố bị ném lại thời nguyên thủy".
Hầu hết cư dân Tacloban phải ngủ ở ngoài trời, dưới mưa như trút. Họ cố náu mình dưới đống đổ nát của những ngôi nhà bị phá hủy hoặc dưới những cái cây đã đổ. Một số được nghỉ trong lều do các nhóm cứu trợ đem tới.
Tacloban là nơi hứng chịu những đợt gió mạnh nhất và những đợt sóng cao như sóng thần của siêu bão Yolanda. Phần lớn thành phố bị phá hủy. Các siêu thị, gara và cửa hàng bị những cư dân đói khát lấy hết đồ ăn và nước uống.
Thị trưởng Tacloban cho biết, việc cư dân ở đây điên cuồng tháo chạy khỏi thành phố bắt nguồn từ quyết định của những người đứng đầu gia đình rằng họ cần đưa những người thân yêu tới nơi an toàn để có thể tập trung vào việc tái lập cuộc sống. "Việc mọi ông bố muốn đưa gia đình khỏi Tacloban là điều dễ hiểu. Bạn phải chăm lo cho những người thân yêu đầu tiên. Bạn không thể làm việc gì khi còn lấn bấn về sự an toàn của gia đình".
- Hoài Linh (Theo Inquirer)