Tổ chức giám sát vũ khí hóa học quốc tế vừa chấp nhận kế hoạch chi tiết về việc tiêu hủy kho vũ khí của Syria vào giữa năm 2014.
TIN BÀI KHÁC:
Hiện chưa rõ nước nào sẽ tiếp nhận các vũ khí cần tiêu hủy của Syria. (Ảnh: AP) |
Kế hoạch tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria được chấp nhận bất chấp một bước lùi trước đó, khi Albania từ chối yêu cầu chủ trì tiến trình tiêu hủy này. Hiện vẫn chưa rõ nước nào sẽ tiếp nhận các vũ khí cần tiêu hủy của Syria.
Một thông báo trên trang web của OPCW cho biết, theo kế hoạch, "các vũ khí hóa học của Syria sẽ được chuyển ra bên ngoài lãnh thổ nước này để tiêu hủy nhằm đảm bảo việc tiêu hủy "một cách an toàn nhất và sớm nhất", không muộn hơn ngày 30/7/2014.
Các hóa chất "quan trọng nhất" sẽ được dỡ bỏ trước ngày 31/12 còn những chất được công bố khác vào ngày 5/2, ngoại trừ isopropanol - một trong hai thành phần chính của chất độc thần kinh sarin.
Thông điệp nêu rõ: "Syria tuyên bố tất cả các cơ sở vũ khí hóa học sẽ chịu sự tiêu hủy trình tự từ ngày 15/12 tới ngày 15/3, theo một tiêu chuẩn dựa trên rủi ro".
Hoan nghênh việc chấp thuận kế hoạch, Tổng giám đốc OPCW Ahmet Umzucu nói: "Kế hoạch vạch ra một lộ trình rõ ràng. Nó đặt ra các mốc thời gian đầy tham vọng mà chính phủ Syria phải đáp ứng. Giai đoạn tiếp theo này sẽ nhiều thách thức nhất và việc thực hiện đúng hạn đòi hỏi sự có mặt của một môi trường an toàn cho việc thẩm tra và vận chuyển các vũ khí hóa học".
Cuộc họp ngày 15/11 ở The Hague của Hội đồng điều hành OPCW gồm 41 thành viên đã lùi lại vài giờ đồng hồ để chờ quyết định từ phía Albania. Quốc gia Balkan này mới đây cũng đã tiêu hủy kho vũ khí hóa học của mình và Mỹ đề nghị họ chủ trì việc giải giáp vũ khí Syria.
Tuy nhiên, sau nhiều ngày chứng kiến biểu tình phản đối ở thủ đô Tirana cùng nhiều thành phố khác, Thủ tướng Edi Rama tuyên bố trong một thông điệp được phát trên truyền hình: "Albania không thể tham gia vào hoạt động này".
Pháp và Bỉ cũng được nêu tên là địa điểm lựa chọn có thể cho việc tiêu hủy khoảng 1.000 tấn vũ khí hóa học của Syria.
Na Uy cam kết sẽ điều một tàu hàng dân sự và một tàu khu trục hải quân tới các cảng của Syria để chở vũ khí và chuyển chúng tới nơi tiêu hủy. Tuy nhiên, nước này nói rõ họ không thể tiến hành tiêu hủy vũ khí trên lãnh thổ của mình vì thiếu chuyên môn.