Bằng cách điều B52 bay trên vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc tự nhận trên biển Hoa Đông, Mỹ phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng nước này không công nhận tuyên bố mới của Bắc Kinh.

TIN BÀI KHÁC:

{keywords}
Máy bay B52 của Mỹ đang được tiếp nhiên liệu từ trên không.


Hai máy bay B52 không mang theo vũ khí cất cánh từ đảo Guam ngày 25/11 để thực hiện một chuyến bay đã được lên lịch từ trước mà các quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định là một hành động thường lệ.

"Tối qua chúng tôi đã thực hiện một bài tập huấn luyện đã được lên kế hoạch từ lâu. Nó bao gồm 2 máy bay bay từ Guam và trở lại Guam", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Steven Warren xác nhận.

Theo vị đại tá này, hai máy bay đã hoạt động "chưa đầy một giờ đồng hồ" ở ADIZ và không chạm trán với máy bay nào của Trung Quốc.

"Chúng tôi vẫn tiếp tục làm theo các thủ tục thông thường, trong đó gồm việc không thông báo trước kế hoạch bay, hoặc gửi thông tin bằng radio hay đăng ký tần số trước...", Đại tá Warren cho biết thêm.

Các chuyến bay B52 của Mỹ được cho là mang tính biểu tượng quan trọng vì chỉ một tuần nữa, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến công du đến Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hôm 23/11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra thông cáo về việc thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông, kèm theo các quy định được áp dụng tại đây và chính thức có hiệu lực từ 10h sáng cùng ngày. Theo đó, quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành các biện pháp phòng thủ khẩn cấp với những máy bay không hợp tác trong việc nhận dạng hoặc từ chối tuân thủ quy định.

Những quy định mà Trung Quốc áp dụng với ADIZ bao gồm việc phải thông báo trước kế hoạch bay, duy trì liên lạc hai chiều bằng radio, hồi đáp ngay lập tức và có thái độ đúng mực với cơ quan quản lý vùng nhận dạng này.

Hành động của Trung Quốc ngay lập tức vấp phải sự phản ứng gay gắt của các nước Nhật, Hàn và Mỹ. Các quan chức Lầu Năm Góc tuyên bố Mỹ coi vùng đó là không phận quốc tế và các máy bay quân sự của Mỹ sẽ hoạt động trong vùng như trước kia mà không cần phải thông báo kế hoạch bay trước cho phía Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm 26/11, khơi lại chỉ trích khi tuyên bố hành động của Trung Quốc dường như là một nỗ lực nhằm "đơn phương thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông".

Động thái trên "sẽ làm dấy lên căng thẳng trong khu vực và gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm, đối đầu và tai nạn", phát ngôn viên Jen Psaki của Bộ này nhấn mạnh.

Nhiều nước khác cũng có phản ứng gay gắt. Australia đã triệu đại sứ của Trung Quốc đến để phản đối trong khi Pháp và Đức bày tỏ lo ngại và kêu gọi các bên kiềm chế.

Thanh Hảo (Tổng hợp)