Kể từ cuối tháng 11, hàng nghìn người Ukraine đã đổ ra đường phố Kiev để phản đối chính phủ. Đến nay, vẫn chưa có bên nào tỏ dấu hiệu nhượng bộ.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Lý do biểu tình

Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine xuất phát từ việc chính phủ nước này quyết định không ký một thỏa thuận quan hệ đối tác với Liên minh châu Âu (EU) bất chấp nhiều năm đàm phán nhằm đưa nước này hội nhập với khối 28 thành viên châu Âu. Quyết định đó được thông báo ngày 21/11.

{keywords}

Hàng nghìn người Ukraine ủng hộ EU đã đổ ra đường phố, kêu gọi Tổng thống Viktor Yanukovych hủy bỏ quyết định mới và tiến tới thỏa thuận với EU. Nhà lãnh đạo này từ chối và biểu tình tiếp diễn, với ước tính 100.000 đã tuần hành vào ngày 24/11, kêu gọi Tổng thống và chính phủ từ chức.

Vào cuối tuần tiếp sau đó, ngày 30/11, ngay từ sáng sớm, cảnh sát chống bạo loạn đã được huy động để trấn áp một cuộc biểu tình của sinh viên, khiến hàng chục người bị thương. Tâm trạng tức giận của nhiều người khi chứng kiến những hình ảnh được phát trên truyền hình càng làm cho bầu không khí chống đối Tổng thống Yanukovych thêm căng thẳng. Hàng trăm nghìn người đã hưởng ứng cuộc biểu tình tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô ngày 1/12.

Không có dấu hiệu nào về sự nhượng bộ, một cuộc biểu tình khác ở quy mô tương tự lại nổ ra giữa thời tiết giá lạnh và tuyết rơi dày đặc ngày 8/12.

Những ai biểu tình?

Người biểu tình chủ yếu là ở khu vực Kiev và miền tây Ukraine, nơi có một mối quan hệ gần gũi hơn với EU, hơn là khu vực miền đông nói tiếng Nga.

{keywords}

Trong khi nhiều người bày tỏ mong muốn Ukraine đi theo con đường châu Âu, không ít người khác bị chọc giận bởi các hành động của chính phủ và những gì họ xem là tệ nạn tham nhũng của các chính trị gia.

Ba phong trào đối lập của Quốc hội đều tham gia vào biểu tình. Vitali Klitschko, một nhà vô địch quyền Anh hạng nặng và lãnh đạo của phong trào Udar (Cú thọi), là một người biểu tình nổi trội. Ông này rất thân EU và dự định sẽ tranh cử Tổng thống năm 2015.

Một trong những người biểu tình quan trọng nhất là Arseniy Yatsenyuk, lãnh đạo đảng Fatherland lớn thứ 2 ở Ukraine. Ông là một đồng minh của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, người hiện đang ở trong tù và là đối thủ của Tổng thống.

Một diễn biến mới kể từ khi Ukraine trải qua cuộc Cách mạng Cam năm 2004 là sự góp mặt của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nhóm cực hữu có tên gọi Svoboda (Tự do) cũng đứng lên phản đối, dẫn đầu bởi Oleh Tyahnybok (trong ảnh, thứ 2 từ trái sang).

Một nhóm cánh hữu cấp tiến khác, bị cáo buộc tìm cách kích động cảnh sát, là Bratstvo (Tình Huynh đệ), không phải là một đảng trong Quốc hội.

Tại sao Yulia Tymoshenko quan trọng?

Ở tầm quốc tế, bà Tymoshenko đã trở thành một biểu tượng đối lập với ông Yanukovych và là một nhân vật chính nghĩa ở EU.

{keywords}

Bà bị phạt tù năm 2011 vì lạm dụng quyền lực liên quan đến một thỏa thuận khí đốt với Nga năm 2009, và hiện đang thụ mức án 7 năm. Nhiều chính trị gia EU công nhận cáo buộc mà Tymoshenko đưa ra rằng phiên tòa nhằm vào bà mang động cơ chính trị.

EU muốn Tymoshenko được trả tự do như một điều kiện ký một thỏa thuận liên kết với Ukraine - nhưng Tổng thống Yanukovych không chấp nhận trả tự do cho nữ chính trị gia này. Tymoshenko cho biết bà bị đau lưng nghiêm trọng và muốn được chữa trị tại Đức.

Tymoshenko cũng đã lên tiếng thúc giục Ukraine ký kết thỏa thuận với EU.

Trong cuộc biểu tình hiện nay, có nhiều dấu hiệu lặp lại từ Cách mạng Cam năm 2004. Tymoshenko là một nhân vật chủ chốt của làn sóng ủng hộ phương Tây khi đó mà rốt cuộc đã khiến ông Yanukovych phải rời bỏ quyền lực, sau khi cuộc bầu cử mà ông chiến thắng bị tòa phán là không trung thực. Nga ủng hộ Yanukovych lúc đó và bây giờ vẫn vậy.

Ảnh hưởng của Nga?

Đối với nhiều quan sát viên, dường như Nga có ảnh hưởng quá lớn bởi quyết định đột ngột quay lưng lại với EU của Tổng thống Yanukovych được đưa ra sau khi Nga gây sức ép kinh tế lớn lên Ukraine, và ông đã được mời tới một cuộc gặp vào phút chót ở Moscow với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

{keywords}

Trước khi đưa ra quyết định với EU, Nga đã có nhiều biện pháp kinh tế khác nhau, trong đó có việc kiểm tra biên giới và áp đặt một lệnh cấm đối với mứt kẹo Ukraine, đồng thời cảnh báo sẽ có thêm các biện pháp khác.

Giới quan sát cho rằng, đó là một tín hiệu rõ ràng đối với Yanukovych rằng nếu ông ký thỏa thuận với EU thì ông sẽ hủy hoại nhiều mối quan hệ thương mại lớn giữa Ukraine với Nga.

Ukraine hiện vẫn ở trong một cuộc tranh cãi từ lâu với Moscow về giá khí đốt Nga, nguồn nhiên liệu mà nước này phụ thuộc rất nặng nề. Nhiều hãng của Ukraine, đặc biệt ở miền đông nói tiếng Nga, cũng phụ thuộc vào các hợp đồng với Nga.

Tổng thống Yanukovych, trúng cử năm 2010, vẫn có một căn cứ ủng hộ mạnh mẽ ở đông Ukraine, và đến nay đã có nhiều cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông.

Trong nhiều thế kỷ, Ukraine chịu sự kiểm soát của Moscow và nhiều người Nga coi Ukraine là sống còn với các lợi ích của đất nước họ.

Thanh Hảo (Theo BBC)