Nội các Nhật Bản, hôm 17/12, thông qua một chiến lược an ninh quốc gia mới và nhất trí tăng chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với Trung Quốc đang gay gắt.

TIN BÀI KHÁC:

Theo chiến lược mới, trong vòng 5 năm tới, Nhật Bản sẽ mua các khí tài hạng nặng như máy bay không người lái, máy bay và các phương tiện đổ bộ. Quân đội nước này cũng sẽ phát triển một sức mạnh đổ bộ mới có khả năng tái chiếm các đảo.

{keywords}
Chính quyền Shinzo Abe khẳng định chiến lược mới là một phản ứng thận trọng và hợp lý trước một mối đe dọa thực sự và ngày càng tăng cao".

Quyết định của Nội các Nhật Bản được đưa ra giữa thời điểm Tokyo đang dính sâu vào một cuộc tranh cãi gay gắt với Bắc Kinh về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông mà cả hai cùng tuyên bố chủ quyền. Nó phản ánh những lo ngại trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong các tuyên bố lãnh thổ và chi tiêu quốc phòng ngày càng nhiều.

"Lập trường của Trung Quốc đối với các nước khác và các động thái quân sự, cộng với thiếu minh bạch về các chính sách an ninh quốc gia và quân sự của nước này, gây lo ngại với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn, và đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ", dự thảo an ninh quốc gia của Nhật Bản nêu rõ.

Lần đầu tiên Tokyo tăng chi tiêu quốc phòng là vào tháng 1, sau một thập niên cắt giảm. Thủ tướng Shinzo Abe muốn Nhật Bản mở rộng quy mô hoạt động của quân đội nước này, lực lượng vốn đang chịu kiểm soát chặt chẽ do hiến pháp thời hậu chiến. Ông cũng đã thiết lập một Hội đồng An ninh quốc gia chuyên giám sát các vấn đề chủ chốt. 

Thủ tướng Abe nhấn mạnh, việc Nội các Nhật Bản thông qua chiến lược an ninh mới đã làm cho chính sách an ninh và ngoại giao của Nhật Bản "rõ ràng và minh bạch - để người Nhật và cả thế giới cùng thấy".  

Quyết định của Nội các Nhật Bản được đưa ra vài tuần sau khi Trung Quốc thiết lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) phía trên biển Hoa Đông bao trùm cả quần đảo mà Nhật Bản hiện đang quản lý hành chính. Bắc Kinh tuyên bố mọi máy bay hoạt động qua khu vực phải tuân thủ các quy định mà họ đưa ra, chẳng hạn như nộp kế hoạch bay, nếu không muốn đối mặt với "các biện pháp".

Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc - nước nhận chủ quyền đối với một bãi đá nằm trong tầm bao phủ của ADIZ Trung Quốc - đã chỉ trích mạnh mẽ hành động của Bắc Kinh. Mỹ gọi đây là một nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng trong khu vực. 

Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố nước này "đang theo dõi sát chiến lược an ninh và đường hướng chính sách của Nhật Bản".

Thanh Hảo (Theo JP Times, BBC)