Mỹ cho biết sẽ điều thêm 800 binh sĩ và khoảng 40 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams và các thiết bị bọc thép khác tới Hàn Quốc vào tháng tới nhằm tái cân bằng lại Đông Bắc Á sau hơn một thập kỷ chiến tranh tại Afghanistan và Iraq.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Xe tăng M1A2 của Mỹ sẽ được điều tới Hàn Quốc.

Từ ngày 1/2, các binh sĩ và xe tăng M1A2 và khoảng 40 xe bọc thép Bradley từ Sư đoàn Kỵ binh số 1 của Mỹ đóng tại Fort Hood, Texas sẽ triển khai tại Hàn Quốc trong thời gian 9 tháng.

Người phát ngôn của Lầu Năm Góc cho biết các binh sĩ sẽ rời Hàn Quốc sau khi hết thời hạn 9 tháng, nhưng các thiết bị quân sự thì vẫn triển khai tại đây để đợt binh sĩ luân chuyển kế tiếp sử dụng.

"Lực lượng bổ sung lần này tới Hàn Quốc là một phần trong việc tái cân bằng tại Thái Bình Dương. Việc này đã được lên kế hoạch từ lâu và nằm trong cam kết của chúng tôi trong việc đảm bảo an ninh trên bán đảo Triều Tiên" - Đại tá Steve Warren cho biết.

Việc này giúp bổ sung cho các chỉ huy tại Hàn Quốc hai đại đội xe tăng và hai đại đội Bradley.

Việc triển khai quân bổ sung của Mỹ lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên dâng cao trở lại, sau khi Bình Nhưỡng hành quyết nhân vật quyền lực thứ hai của đất nước, cũng là người dượng của lãnh đạo Kim Jong Un vào tháng trước. Đây là một sự kiện gây chấn động tại quốc gia này trong nhiều năm qua.

Hãng in Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời các quan chức quân sự cho biết các binh sĩ sắp triển khai của Mỹ sẽ đóng tại tỉnh Gyeonggi ở phía Bắc, cách khu vực phi quân sự giữa hai miền bán đảo Triều Tiên không xa.

Trước đó, trong cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết quan điểm của Mỹ về vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên.

"Hoa Kỳ và Hàn Quốc có quan điểm nhất quán... phản đối các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo và các hoạt động phổ biến vũ khí gây bất ổn của Triều Tiên" - ông Kerry nói.

Hiện nay, Mỹ có khoảng 28.500 binh sĩ đóng tại Hàn Quốc trong khi Seoul và Bình Nhưỡng về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ sau năm 1953.

Lê Thu (theo Reuters/Yonhap)