TIN BÀI KHÁC:
Báo chí đưa tin, Yanukovych có thể đang chuẩn bị một du thuyền để sang Nga bằng đường biển - có lẽ là với sự giúp đỡ từ Hạm đội Biển Đen của quốc gia láng giềng, nước vốn có một căn cứ hải quân trên bán đảo chiến lược này.
Những người thân Nga ở Crimea kêu gọi Moscow bảo vệ họ khỏi "những kẻ phát xít"
Giả thuyết kể trên làm dấy lên lo ngại rằng khu vực Crimea đông người Nga sinh sống đang hưởng quyền tự trị ở Ukraina sẽ trở thành một điểm bốc cháy tiếp theo trong cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết ở đất nước này.
Vị trí Tổng thống của Crimea đã bị hủy bỏ, thay vào đó vùng này có một đại diện tổng thống từ Kiev. Chính quyền địa phương nằm dưới sự chỉ đạo của một Thủ tướng do Quốc hội Ukraina bổ nhiệm.
Căng thẳng tăng cao trên bán đảo này trong những ngày gần đây, với các chính trị gia và giới hoạt động thân Moscow đang tổ chức các cuộc tuần hành, đồng thời kêu gọi Nga giúp bảo vệ vùng lãnh thổ này khỏi "những kẻ phát xít" đến từ phần còn lại của Ukraina.
Cuối tuần qua, một đám đông còn xé nát quốc kỳ Ukraina ở thị trấn Kerch thuộc phía đông Crimea và thay vào đó một lá cờ ba màu của Nga. Và mới tuần trước, người đứng đầu quốc hội Crimea Volodymyr Konstantynov cảnh báo ông không loại trừ khả năng tách ra khỏi Kiev nếu như tình hình trong nước xấu thêm.
Hiện đang có những quan ngại rằng bất ổn hiện nay ở Ukraina sẽ mang lại cho
Kremlin một cơ hội hoàn hảo để xác nhận chủ quyền đối với Crimea, một vùng lãnh
thổ mà nhiều người Nga tin rằng là của họ và chỉ chịu sự quản lý của Kiev do ngả
rẽ số phận.
Crimea được Nga chuyển cho Ukraina vào năm 1954 bởi lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev mà bản thân ông này là một người Ukraina. Trước đó, bán đảo này được biết đến là "sân chơi của các Nga Hoàng" bởi có khí hậu ấm áp và biển đẹp.
Trong những tháng gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã tăng cường sự chú ý vào Ukraina và phương Tây, khi ông dường như đặt thành vấn đề sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.
Quả thực, Kremlin có thể dựa vào tình cảm thân Nga ở Crimea và vào Hạm đội Biển Đen với căn cứ ở Sevastopol - "thành phố của chiến thắng Nga" như nhiều người Nga vẫn gọi kể từ cuộc chiến Crimea hồi thế kỷ 19.
Tuy nhiên, vùng lãnh thổ này không phải là thân Nga một cách trung thành và bền vững như thoáng quan sát và có một số yếu tố có thể đóng vai trò quan trọng.
Tuy người Nga chiếm đa số ở Crimea (58,5%), vẫn có một số lượng đáng kể người Ukraina (24,4%) và người Tatar (12,1%). Và hai nhóm dân kể sau này đã hình thành một liên minh kháng cự bất kỳ nỗ lực li khai nào. Cả hai đều có những lý do khác nhau để ngờ vực Moscow.
Nhiều người Ukraina ở Crimea có lòng trung thành tự nhiên với Kiev và hài lòng với nguyên trạng của bán đảo này. Trong khi đó, người Tatar Hồi giáo dường như vẫn chưa quên những gì xảy ra trong Thế chiến II và các lãnh đạo của họ cũng đã cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ ý định nào trao Crimea cho Moscow.
Tiếp đó là tình trạng tham nhũng tràn lan.
Năm 2011, nhiều người ở Crimea đã rất tức giận trước những gì họ miêu tả là các quan chức tham nhũng ở mọi cấp độ. Từ tài xế taxi đến người bán hoa quả hay quản lý khách sạn, dù là người dân tộc nào, tất cả đều rất bất bình. Và niềm hy vọng của họ giờ đây là mọi thứ có thể dần thay đổi theo "sức mạnh nhân dân" và cam kết chiến đấu chống tham nhũng từ Quảng trường Độc lập (Maidan) ở Kiev. Nhiều người cũng tin rằng, một sự liên kết đầy triển vọng với EU sẽ giúp loại bỏ tham nhũng.
Cuối cùng là, Ukraina không phải là Grudia, nơi Nga đã thực hiện một cuộc chiến năm 2008. Mặc dù trải qua những hỗn loạn hiện nay, Ukraina - đất nước lớn thứ 2 ở châu Âu (tính theo diện tích), vẫn có các lực lượng vũ trang đủ năng lực, đặc biệt là các hệ thống phòng không.
Và khi đối mặt với liên tiếp những lời cảnh báo từ phương Tây, Tổng thống Putin có thể sẽ nghĩ kỹ về việc Crimea, cũng như các khu vực miền đông nam Ukraina, có đáng để thực hiện một cuộc chiến hay không.
Thanh Hảo (Theo BBC)