Cuộc khủng hoảng tại Ukraina không chỉ là vì chính trị, mà nó đã bị châm ngòi vì tiền. 

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Những người biểu tình chống chính phủ chọn con đường đi theo Liên minh châu Âu. Ảnh: RIA

Suốt hơn hai tháng ròng bạo loạn tràn khắp thủ đô Kiev của Ukraina, cảnh tượng tràn ngập mặt báo là người biểu tình bị thương, lửa cháy nơi nơi, và cảnh sát trấn áp bạo động. Tình trạng hỗn loạn đó khiến ngươi ta dễ dàng quên đi một điều là toàn bộ cuộc khủng hoảng này bị thổi bùng lên chỉ vì thỏa thuận về một khoản vay. 

Cuối năm ngoái, khi két tiền của Ukraina cạn dần vì chi tiêu quá nhiều cho các ưu tiên chính trị, như trợ cấp giá khí đốt và tăng lương cho công chức nhà nước, Tổng thống Vicktor Yanukovich phải đối diện với một lựa chọn.  

Liên minh châu Âu đề nghị một thỏa thuận thương mại hứa hẹn thúc đẩy nền kinh tế trì trệ của Ukraina, đổi lại, Kiev phải tiến hành các biện pháp thắt chặt chi tiêu về mặt chính trị trước đó vốn rất lộn xộn. Còn Nga lại đề xuất khoản hỗ trợ 15 tỉ USD và không yêu cầu ông Yanukovich phải thay đổi gì nhiều. Thêm vào đó, Moscow sẽ giảm 33% giá khí đốt bán cho Kiev. 

Chẳng có gì ngạc nhiên khi ông Yanukovich gạt ngay thỏa thuận với EU và chuyển sang gói hỗ trợ của Nga. Chính vì điều này mà hàng ngàn người dân Ukraina tức giận và xuống đường biểu tình.  

Khi bạo lực khiến cho hơn 70 người thiệt mạng, các quan chức châu Âu và Mỹ đã lập tức áp lệnh trừng phạt cho các lãnh đạo Ukraina. 

Chính quyền Moscow cũng gây sức ép lên Kiev để buộc ông Yanukovich phải thiết lập lại ổn định, và có nói họ sẽ toạm hoãn khoản hỗ trợ tài chính 2 tỉ USD.  

Khi tình hình tại Ukraina hạ nhiệt sau khi Tổng thống Yanukovich bỏ chạy và Tổng thống lâm thời lên thay, Kiev có thể sẽ ngồi vào bàn làm việc với một loạt quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về vấn đề cải cách kinh tế.  

“Rõ ràng là Ukraina có thể tiết kiệm chi tiêu” – ông Douglas A. Rediker tại Học viện Peterson, cựu quan chức trong ban điều hành IMF nhận định. “Vấn đề kinh tế mà Ukraina phải đối mặt hiện nay dù rất quan trọng nhưng không có tính chất sống còn”.  

Chính quyền Ukraina phải đối mặt với một loạt vấn đề kinh tế bắt nguồn cơ bản từ việc chi tiêu theo kiểu ‘bóc ngắn cắn dài’. Tiền làm ra thì ít nhưng tiền chi tiêu lại quá nhiều. Trong khi kinh tế trong nước đã phập phù, chính quyền lại tiếp tục tăng lương, tăng trợ cấp và trợ giá mua năng lượng.  

Tổng thống Yanukovich không muốn có bất kỳ thay đổi vào trong hệ thống vì sợ điều này sẽ tác động xấu tới việc cầm quyền của ông. Những doanh nhân gần gũi và người quen thân của ông Yanukovich trở nên giàu có, thậm chí ngay cả khi phần còn lại của nền kinh tế rơi vào suy thoái. 

“Không phải tự nhiên mà con trai của ông Yanukovich vốn là một nha sĩ lại trở thành một trong những doanh nhân thành đạt nhất ở Ukraina” – ông Steven Pifer, một cựu Đại sứ tại Ukraina cho hay. 

Chính quyền Ukraina cũng tốn cả đống tiền để tổ chức giải vô địch bóng đá châu Âu hồi năm 2012. Theo Bloomberg, Kiev đã phải chi tới 14 tỉ USD cho sự kiện này. 

Tuy nhiên, có thể vấn đề lớn nhất của Ukraina chính là việc họ mua khí đốt với giá đắt, rồi bán lại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp với giá rẻ. 

Hồi tháng 12 năm ngoái, IFM đã chỉ trích những khoản trợ giá khí đốt này trong một báo cáo nhằm phác thảo ra những bước thay đổi mà Ukraina cần tiến hành. Chính quyền Kiev đã thống nhất nhiều điều khoản trong văn bản này khi họ nhận một khoản vay 15 tỉ USD vào năm 2010.  

IMF cũng nhắc Ukraina cần phải tiến hành các thay đổi như đã cam kết, bao gồm giảm thâm hụt ngân sách, cải cách các thị trường năng lượng và điều chỉnh lại lĩnh vực ngân hàng. 

IMF cho rằng chính việc trợ giá khí đốt vốn chiếm tới 7,5% GDP vào năm 2012 đã khiến Ukraina là một trong số các quốc gia có mức tiêu thụ cao nhất ở châu Âu. Việc trợ giá này cũng gây ra thâm hụt ngân sách chính phủ và thất thoát lớn cho công ty năng lượng Naftogaz, khiến công ty này lúc nào trả nợ chậm cho Nga. 

Khí đốt luôn là nguồn cơn gây tranh cãi giữa Nga và Ukraina trong nhiều năm liền. Dù Moscow thỉnh thoảng lại ngừng cấp khí đốt, nhưng khi cần tiền, ông Yanukovich vẫn chọn Moscow thay vì những điều khoản phức tạp từ EU. 

Giải thích về điều này, cựu kinh tế gia trưởng của IMF là Simon Johnson cho biết các lãnh đạo của Ukraina đã phải đối mặt với một quyết định then chốt, đó là có nên thay đổi chiều hướng của nền kinh tế hay không. “Anh sẽ chọn việc chỉ có vài người thân quen có thật nhiều quyền lực và cơ hội kinh tế, hay là chọn luật pháp và một nền kinh tế lớn hơn?” – ông Johnson nói. 

Lê Thu (theo Chính sách Đối ngoại)