Làn sóng biểu tình bạo lực tại Ukraina đã tạm lắng xuống với kết quả vừa lòng phe đối lập: Tổng thống Yanukovich bỏ trốn, một tổng thống lâm thời khác lên thay, hứa hẹn cải cách theo châu Âu.  

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Thủ đô Kiev của Ukraina biến thành bãi chiến trường sau hàng loạt cuộc biểu tình rầm rộ hơn hai tháng qua. Ảnh: BI

Có nhiều lý do khiến cho người dân Ukraina trút giận lên và muốn phế truất quyền lực của ông Yanukovich. Họ giận ông vì ông đã công khai sử dụng chức quyền của mình để làm giàu cho các thành viên trong gia đình ông. Ông đẩy nền kinh tế vào cảnh lao đao, thâm hụt ngân sách và các chính sách không phù hợp. Ông bỏ tù đối thủ chính trị là bà cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko.

Ông tìm cách tập trung quyền lực vào tay mình càng nhiều càng tốt bằng cách gây áp lực lên báo chí và loại bỏ các cải cách quan trọng mà chính quyền trước đó đã hứa hẹn. Xét ở nhiều khía cạnh, nguyên nhân thật sự khiến Ukraina rơi vào khủng hoảng chính là quyết định vào giờ chót của ông Yanukovich để khước từ châu Âu và ngả theo Nga.  

Những người biểu tình hằng mong sẽ được cầm trên tay tấm hộ chiếu mang quốc tịch châu Âu, rằng họ sẽ xây dựng nên hệ thống pháp luật theo chuẩn phương Tây, củng cố năng lực giải trình, và đấu tranh với nạn tham nhũng. Và tất nhiên quyết định trở về với Kremlin đã khiến những người này nổi giận.  

Sau nhiều tuần đấu tranh, những người biểu tình bày tỏ sự bất bình đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông Yanukovich nhiều hơn là vào những lựa chọn mang tính địa chính trị đối với Ukraina.  

Nhưng hất được ông Yanukovich ra khỏi ghế tổng thống (đến lần thứ hai) thì liệu tình hình ở Ukraina có nhờ thế mà khả dĩ hơn? Trước đó, cựu Tổng thống của Ukraina là ông Leonid Kravchuk đã cảnh báo rằng đất nước của ông ‘đang trên bờ vực nội chiến’.  

Lời cảnh báo này hoàn toàn có lý, khi mà Yanukovich đã bị lật đổ, nhưng những người ủng hộ ông (và có khuynh hướng thân Nga) ở miền đông và nam đất nước chẳng có vẻ gì là sẽ ủng hộ phong trào của phe đối lập. Trong khi nhóm cư dân khu vực này lại quyết định rất lớn tới chiếc ghế tổng thống Ukraina.  

{keywords}
Một người biểu tình ném dung dịch gây cháy nổ trong các cuộc biểu tình tại Kiev, Ukraina. Ảnh: BI

Thêm vào đó, việc lật đổ một Tổng thống một năm trước khi ông ta chấm dứt nhiệm kỳ chắc chắn là một tiền lệ rất gở cho nền dân chủ của Ukraina.  

Về khía cạnh này, một chiến thắng vang dội của phe đối lập nhiều khả năng sẽ tạo ra các vấn đề khác và còn khắc sâu thêm mối chia rẽ giữa các vùng miền của Ukraina.  

Nhưng không phải là không có lối thoát cho Ukraina.  

Đang trên đà chiến thắng, phe đối lập hoàn toàn có thể chuyển sang tập trung vào một mục đích mới, có thể đoàn kết được người dân, đó là chuyển đổi Ukraina sang một thể chế cộng hòa nghị viện. Vấn đề chính với Ukraina hiện nay là một bản hiến pháp không tính đến những khác biệt về địa chính trị và ý thức hệ.  

Bản hiến pháp hiện nay mang lại quá nhiều quyền lực cho tổng thống, do đó không thể tránh khỏi việc người đứng đầu nhà nước hay bất hòa với Thủ tướng và Quốc hội. (Điều này đúng ngay cả khi dưới thời Tổng thống thân phương Tây Yushchenko – người tốn rất nhiều thời gian trong nhiệm kỳ để tranh cãi với người trước đó từng là đồng minh chính trị, bà Yulia Tymoshenko).

Điều mà Ukraina cần là một hệ thống mà trong đó, chính phủ do Thủ tướng vận hành, và quyền lực sẽ dựa trên đảng mạnh nhất (hoặc liên minh các đảng) trong quốc hội. Vị Thủ tướng này có nhiều quyền hơn, nhưng cũng phải đối mặt với các cuộc thanh sát và cân bằng để ngăn những quyền lực trên đi quá giới hạn.

Ngược lại, Tổng thống sẽ chỉ đóng vai trò tượng trưng cho người đứng đầu nhà nước, hay nói cách khác là Tổng thống ở đây sẽ giống như ở Đức và khác một chút so với ở Pháp.

Một sự chuyển đổi êm thấm như vậy về lâu dài chắc chắn sẽ có lợi cho thể chế dân chủ ở Ukraina và giảm được sự can thiệp của nước ngoài.

Do vậy, vào lúc này, người dân Ukraina – dù có tham gia biểu tình hay không – đều cần hít thở thật sâu, và nghĩ thật kỹ cách thoát khỏi cảnh gieo neo bên bờ vực nội chiến. Ngoài phương án trên, những lựa chọn còn lại đều không khỏi gây quan ngại.

Lê Thu (theo Chính sách Đối ngoại)