Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 12/4 cho biết, rủi ro với sức khỏe ở ngoài vùng cấm nhà máy hạt nhân Fukushima không tăng thêm dù nhà chức trách Nhật tăng tình trạng khẩn cấp.




"Đánh giá mức độ đe dọa với sức khỏe ở ngoài vùng cấm 40km kể từ nhà máy Fukushima đang gặp sự cố không thay đổi. Chúng tôi tin rằng ảnh hưởng từ nhà máy với sức khỏe con người không thay đổi giữa hôm nay với hôm qua", Gregory Hartl, phát ngôn viên WHO nói.

Ông Hartl nhấn mạnh, không còn ai ở trong vùng cấm và các biện pháp cần thiết đã được áp dụng "đầy đủ" trong thời điểm hiện nay.

Cùng ngày, cơ quan an toàn hạt nhân Pháp tuyên bố, Fukushima, Chernobyl "không thể so sánh với nhau"

Sự cố ở nhà máy hạt nhân Fukushima đã thải ra một lượng phóng xạ "tương đối lớn" song mức độ cũng như tác động của nó không thể sánh với Chernobyl, cơ quan an toàn hạt nhân Pháp hôm 12/4 cho biết.

"Ở thời điểm này....Fukushima không thể và sẽ không thể tương tự vụ Chernobyl cho dù đó là một sự cố rất nghiêm trọng", người đứng đầu Viện bảo vệ khỏi phóng xạ và an toàn hạt nhân (IRSN) là Patrick Gourmelon nói.

Trước đó, Nhật đã tăng mức đánh giá sự cố Fukushima từ 5 lên mức cao nhất là 7 theo thang bậc quốc tế. Từ trước đến nay, mới chỉ có thảm họa Chernobyl xảy ra ngày 26/4/1986 được xếp ở mức 7.

"Mức phóng xạ rò rỉ ở Fukushima không thay đổi. Đó chỉ là đánh giá lại theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt được Thang các sự kiện hạt nhân quốc tế áp dụng", Thierry Charles, chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn của IRSN cho hay.

Mức 7 trong INES mô tả sự cố "vật liệu phóng xạ lan rộng gây ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường, đòi hỏi việc áp dụng các biện pháp phòng chống có kế hoạch và mở rộng".

Trong bản đánh giá của mình, IRSN cho biết, Fukushima khác với Chernobyl về một số điểm, đặc biệt là về lượng phóng xạ bị rò rỉ.

Fukushima có 3 lò phản ứng gặp sự cố trong khi Chernobyl chỉ bị hỏng 1 lò phản ứng. Tuy nhiên, lượng phóng xạ bị rò rỉ ở nhà máy Nhật chỉ bằng 1/10 lượng phóng xạ mà nhà máy Chernobyl thải ra vì cho tới giờ thùng chứa lò phản ứng vẫn chưa bị sứt mẻ do vậy hầu hết nhiên liệu hạt nhân vẫn được bọc kín. Ngoài ra, ô nhiễm phóng xạ ở Fukushima vẫn chỉ mang tính "địa phương" vì phóng xạ chỉ bị gió và mưa làm lan xa. Hầu hết sự nhiễm xạ diễn ra từ 12 đến 21/3.

  • Hoài Linh (Theo ST)