Các quan chức ngoại giao Nga và Mỹ đã nhất trí với nhau trong cuộc họp chiều qua tại Paris rằng họ nên giúp Ukraina thực thi thỏa thuận hòa giải do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}

goài cùng bên trái: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ngoài cùng bên phải: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc họp chiều qua tại Paris, Pháp về vấn đề Ukraina. Ảnh: AP

“Chúng tôi đã nhất trí rằng người dân Ukraina cần hỗ trợ để thực thi thỏa thuận ngày 21/2” – Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ rằng Mỹ hy vọng tình hình tại Ukraina sẽ ‘xuống thang’ sau khi phương Tây đề xuất hỗ trợ Ukraina 11 tỉ euro (tương đương 15 tỉ USD).

“Chúng tôi đã khởi động một tiến trình ngày hôm nay với hy vọng rằng điều này sẽ giúp tình hình giảm bớt căng thẳng. Tôi thật sự mong được như ngày hôm nay hơn là ngày hôm qua” – ông John Kerry nói.

Tuy nhiên, cũng trong cuộc gặp chiều qua, ông John Kerry đã không thể thuyết phục Ngoại trưởng Nga Lavrov ngồi cùng với ngoại trưởng lâm thời Ukraina Andriy Deshchytsya dù bầu không khí được cho là ‘mang tính xây dựng’.

Moscow luôn bày tỏ nghi ngờ về tính hợp pháp của chính quyền mới thành lập nên tại Kiev.

Ngoại trưởng lâm thời Ukraina cho biết ông hy vọng sẽ có thể gặp ông Lavrov để bàn qua về kế hoạch của Ukraina nhằm mang lại quyền tự trị nhiều hơn nữa cho Crưm trong biên giới Ukraina.

“Quan điểm của chúng tôi là sử dụng mọi biện pháp hòa bình, tất cả mọi phương thức ngoại giao để giải quyết vấn đề này mà không có nạn nhân hay thảm kịch nào – và vùng đất này cũng không đi đâu hết. Chúng tôi không muốn chiến tranh với Nga” – ông Andriy Deshchytsya phát biểu.

Ngoại trưởng Nga và Mỹ sẽ còn gặp nhau tại Rome vào ngày hôm nay, cùng thời điểm mà các lãnh đạo châu Âu tụ họp ở Brussels, Bỉ, để bàn thảo gấp về vấn đề cấp bách tại Ukraina.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đã có cuộc điện đàm trước khi cuộc họp này diễn ra. Cả hai đều cho rằng Tổng thống Nga Putin đã vi phạm chủ quyền của Ukraina sau khi các lực lượng thân Nga chiếm quyền kiểm soát Crưm.

Trong một diễn biến khác, Khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO) cho biết họ đang tìm cách trừng phạt Nga, tuyên bố rằng họ muốn ‘xem xét lại’ toàn bộ các hiệp ước với Nga, trong khi củng cố quan hệ với quốc gia không phải thành viên khối này là Ukraina.

NATO cho rằng với việc làm này, họ ‘đang gửi đi một thông điệp rất rõ ràng’ tới Moscow.

Mỹ cũng tái khẳng định việc cảnh báo Nga có thể mất tư cách thành viên trong nhóm các cường quốc G-8.

Sau khi Mỹ đe dọa sẽ trừng phạt Nga, Thượng viện Nga hôm qua cũng nhóm họp để ‘nghiên cứu’ các biện pháp trả đũa lại Washington.

Nga cũng tuyên bố rằng họ sẽ đáp rả mọi lệnh trừng phạt của các chính quyền phương Tây một cách cứng rắn. Tổng thống Putin cảnh báo rằng những biện pháp như vậy chỉ làm ‘đôi bên cùng thiệt hại’.

Tình hình tại Ukraina vẫn chưa nguôi căng thẳng. Tại thành phố Donetsk – nơi đa phần người dân ủng hộ cựu Tổng thống Yanukovich, đụng độ nổ ra giữa những người tuần hành ủng hộ và chống Nga.

Còn tại Kiev, một phiên tòa đã ra lệnh bắt giữ ban lãnh đạo thân Nga, trong đó có thủ tướng vừa được bầu nên là ông Sergiy Aksyonov.

Lê Thu (theo RIA/AP/Reuters/RT)