Việc tìm kiếm máy bay Malaysia Airlines hiện đang tập trung ở phía nam Ấn Độ Dương. Các tàu và máy bay đang hướng đến hai vật thể lạ mà vệ tinh phát hiện đang trôi trên mặt nước.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Nếu hai vật này được xác nhận là mảnh vỡ của MH370 thì các chiến dịch xử lý và điều tra vụ việc sẽ là một thách thức vô cùng phức tạp và to lớn.

{keywords}
Vật thể lạ mà vệ tinh vừa phát hiện được trên Ấn Độ Dương.

Trước tiên, các nhà chức trách sẽ phải xác định bất kỳ mảnh vỡ máy bay nào được tìm thấy. Tình trạng của chúng sẽ cung cấp manh mối về những gì đã xảy ra, chẳng hạn có phải do nổ hay không. Chúng cũng sẽ giúp khoanh vùng máy bay rơi và vị trí có thể của "hộp đen".

Tuy nhiên, theo David Mearns, Giám đốc hãng Blue Water Recoveries, do thời gian khá dài kể từ khi máy bay biến mất ngày 8/3, nên làm được điều đó không hề dễ dàng.

"Nếu vật thể lạ được xác nhận, thì vị trí và thời điểm mà mảnh vỡ được tìm thấy sẽ là manh mối cần dùng để xác định nơi máy bay bị tác động", ông giải thích. "Nhưng trong vụ này, máy bay có thể đã rơi nhiều ngày và mảnh vỡ đó hẳn phải trôi được một khoảng cách xa. Nếu chúng ta không biết hướng gió và luồng nước khi ấy thì việc tìm kiếm hộp đen rất phức tạp".

David Mearns tin rằng, hy vọng tốt nhất là tìm ra khu vực tác động để tập trung các nỗ lực dò tín hiệu âm thanh phát ra từ hộp đen.

"Hộp đen có tuổi thọ nhất định - thường là 30 ngày. Điều đó sẽ giúp cho các nhóm xác định được mảnh vỡ. Nếu họ đưa được thiết bị tới sớm, dò tìm và vớt được hộp đen thì đó là cơ hội tốt nhất để tìm máy bay", ông nói thêm.

Sau khi hộp đen dừng phát tín hiệu, việc tìm máy bay mất tích trên biển sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Điển hình là vụ tìm kiếm máy bay số hiệu 447 của hãng Air France rơi xuống Đại Tây Dương năm 2009.

David Gallo thuộc Viện Hải dương học Woods Hole ở Mỹ cũng tham gia vào cuộc tìm kiếm đó. "Chúng tôi đã có được vị trí phát tín hiệu lần cuối rất tốt, chứ không giống như máy bay lần này. Nhưng cũng phải mất 5 ngày mới định vị được mảnh vỡ đầu tiên và hộp đen thì không bao giờ tìm được", ông Gallo nói với BBC News.

{keywords}
Chiến dịch tìm kiếm máy bay 447 của Air France trên Đại Tây Dương thuộc diện lớn nhất trong lịch sử.

Mãi đến năm 2011, nhờ dùng hệ thống sonar kiểm tra một khu vực có bán kính 75km, mảnh vỡ máy bay 447 mới được tìm thấy và phát hiện nhờ các robot hoạt động dưới nước, cả tự động và được điều khiển từ xa (AUV và ROV).

"Với máy bay mất tích của Malaysia Airlines, nếu một mảnh vỡ được tìm thấy thì tiến trình rà tìm các mảnh vỡ khác có thể được thực hiện trên một khu vực thu hẹp hơn, nhưng sẽ vẫn rất rộng lớn", ông Gallo phân tích.

Tiến sĩ Simon Boxall, một nhà hải dương học thuộc Đại học Southampton, nhất trí với nhận định này. "Với Air France, chúng ta biết được đường bay mà tìm máy bay vẫn mất 2 năm. Còn lần này, chúng ta không biết gì về đường bay và phải tìm kiếm trên một vùng trải rộng".

Một khi hộp đen dừng phát tín hiệu thì các nhà điều tra sẽ phải sử dụng tàu được trang bị hệ thống sonar để vẽ bản đồ đáy biển và tìm kiếm xác máy bay dưới đó. Tuy nhiên, khu vực tìm kiếm MH370 rất hẻo lánh, cách Perth (Australia) 2.500km và trạng thái vùng biển này rất khắc nghiệt với nhiều cơn bão lớn, những con sóng khổng lồ và những luồng gió cực mạnh.

Tuu nhiên, địa chất dưới lòng biển khu vực này được cho là khá thuận lợi. Theo Tiến sĩ Gallo, đó là một địa hình núi lửa. Lòng biển ở khu vực tìm kiếm MH370 có vẻ phẳng hơn so với nơi tìm kiếm 447, nhưng các chiến dịch sẽ phức tạp và tốn kém hơn nhiều.

"Chúng tôi có một câu nói trong ngành thế này: Gần như mọi thứ đều có thể tìm được nếu bạn chi đủ tiền. Air France chi khoảng 20-25 triệu Bảng. Còn vụ này, bạn có thể thêm một con số 0 vào sau dãy số đó".

Thanh Hảo