Việc tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines (MAS) đã tiêu tốn hàng triệu đô-la của các quốc gia cử tàu và máy bay tham gia công tác cứu hộ.

TIN BÀI KHÁC:

{keywords}
Các phi công trên chiếc AP-3C Orion của Không lực Hoàng gia Australia đang tham gia tìm kiếm MH370 trên Ấn Độ Dương. (Ảnh: AP)

Tổng cộng đã có 26 quốc gia tham gia nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ quốc tế với quy mô vượt xa việc tìm kiếm chiếc máy bay 447 của Air France, vốn đâm xuống Ấn Độ Dương vào năm 2009 và khiến 228 người thiệt mạng. Pháp và Brazil đã mất 2 năm và tiêu tốn 40 triệu USD để tìm ra hộp đen của chiếc phi cơ này, tờ South China Morning Post đưa tin.

Nhà hải dương học Zhao Chaofang, thuộc Đại học Hải Dương Trung Quốc, ước tính chi phí tìm kiếm MH370 gấp 10 lần chi phí tìm kiếm máy bay của Air France, tức khoảng 400 triệu USD.

Theo tờ WantchinaTimes, Việt Nam, quốc gia đầu tiên tham gia tìm kiếm và cứu hộ chiếc MH370 của MAS, đã chi khoảng 950.000 USD/ngày và khoảng 10.000 USD/giờ cho mỗi chiếc máy bay. Từ ngày 8-15/3, các máy bay của Việt Nam đã rà soát khu vực biển Đông ít nhất 10 tiếng một ngày, với chi phí tổng cộng lên tới 8 triệu USD.

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Steven Warren, Mỹ dự kiến trích ngân sách 4 triệu USD cho việc tìm kiếm. Quốc gia này đã điều hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường, các trực thăng, hai máy bay tuần tra và một máy định vị hộp đen tới thành phố Perth, phía tây Australia, khi công tác tìm kiếm tập trung vào nam Ấn Độ Dương.

Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết hai tàu khu trục và các máy bay chiến đấu của họ tiêu tốn khoảng 100.000 USD/ngày trong khi hai máy bay tuần tra lần lượt ngốn 77.000 USD và 43.000 USD/ngày.

Ba tàu Trung Quốc, với hai trực thăng và hai máy bay vận tải Il-76 đã tìm kiếm khu vực ngoài khơi phía tây Australia, nơi các hình ảnh vệ tinh phát hiện những vật thể nghi là mảnh vỡ của MH370, theo phát ngôn viên Geng Yansheng từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Một tàu lưỡng cư đang trên đường tới một khu vực tìm kiếm khác. Một hạm đội Hải quân Trung Quốc, đang thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển ngoài khơi Somalia, cũng đã được cử tới tham gia tìm kiếm. Ngoài ra, Trung Quốc đã đặt hàng chục vệ tinh quân sự để rà soát trên Ấn Độ Dương.

Một chuyên gia quân sự giấu tên cho biết thật khó để ước tính số tiền mà Trung Quốc đã bỏ ra khi tham gia công tác cứu hộ MH370. Chiếc Il-76 tiêu tốn gần 10.000 USD cho mỗi giờ bay, trong đó chưa bao gồm tiền công cho các nhân viên vận hàng.

Liu Jianping, một chuyên gia quân sự cho biết, chi phí liên quan tới các con tàu tham gia tìm kiếm bao gồm cả nhiên liệu, nước uống, thực phẩm, thuốc men, lương và tiền bồi dưỡng cho các thuỷ thủ. Con tàu cần được bảo trì thường xuyên và phải chịu chi phí khấu hao đang kể, chuyên gia Liu tiết lộ. Ông ước tính một tàu khu trục của Trung Quốc tiêu tốn gần 100.000 USD/ngày để hoạt động.

Trung Quốc đã huy động 21 vệ tinh với chi phí lên tới khoảng 100 triệu NDT (16 triệu USD). Tuy nhiên, một chuyên gia hàng không vũ trụ cho biết, việc sử dụng các vệ tinh có thể ít tốn kém hơn vì chúng không cần thiết phải thay đổi vị trí.

Trong khi đó, Australia, quốc gia đang dẫn đầu công tác tìm kiếm và cứu hộ MH370 trên Ấn Độ Dương nói rằng, họ không tính toán tới chi phí tìm kiếm chiếc máy bay mất tích và khẳng định sẽ làm tất cả những gì cần làm.

“Có 6 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tham gia hoạt động tìm kiếm và mỗi quốc gia đều phải tự chịu mọi phí tổn,” tờ New Straits Times của Malaysia trích lời Thủ tướng Australia Tony Abbott.

“Chúng tôi không tính toán chi phí, chúng tôi chỉ đang làm những gì cần thiết, để làm sáng tỏ bí ẩn này. Tôi nghĩ chúng tôi mắc nợ với những người có mặt trên chuyến bay đó, mắc nợ với gia đình họ,” ông nói thêm.

Sầm Hoa