Cuộc tìm kiếm máy bay mất tích mang số hiệu MH370 đã  nêu bật vấn đề hóc búa chiến lược đối với Bắc Kinh - thiếu các căn cứ ở nước ngoài.


{keywords}

Khi tàu tiếp tế Qiandaohu của hải quân Trung Quốc tiến vào cảng Albany của Australia trong tháng này để thay thế các tàu chiến  đang tìm kiếm máy bay Malaysia Airlines mất tích, nó đã nêu bật vấn đề hóc búa chiến lược đối với Bắc Kinh - thiếu các căn cứ ở nước ngoài và những cảng thân thiện để ghé vào.

Trung Quốc đã triển khai nhiều tàu tham gia cuộc tìm kiếm - 18 tàu chiến, các tàu bảo vệ bờ biển nhỏ hơn, một tàu chở hàng dân sự và một tàu phá băng Nam Cực, kéo căng năng lực tiếp tế và hậu cận của hải quân đang mở rộng nhanh chóng của nước này, các nhà phân tích Trung Quốc và tùy viên quân sự khu vực cho biết.

Các nhà hoạch định của hải quân Trung Quốc biết rằng họ sẽ phải lấp đầy khoảng trống chiến lược này nhằm đáp ứng mong muốn hoạt động toàn diện của hải quân vào năm 2050, đặc biệt là nếu phải sử dụng các con đường quanh Đông Nam Á và xa hơn trong bối cảnh có căng thẳng.

Trung Quốc quyết tâm thách thức sự thống trị trên biển lâu nay của Washington ở khắp châu Á Thái Bình Dương và muốn tự bảo vệ lợi ích của mình ở khắp Ấn Độ Dương và Trung Đông.

"Với sự hiện diện quân sự và các kế hoạch liên quan của quân đội Trung Quốc ngày càng tăng, nước này sẽ cần có những dàn xếp về nơi ghé tàu như Mỹ đã làm", Ian Storey, một chuyên gia an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore cho hay. "Tôi có chút ngạc nhiên rằng chẳng có dấu hiệu gì cho thấy họ bắt đầu thảo luận về việc tiếp cận lâu dài".

Ngược lại, Mỹ đã xây dựng một mạng lưới rộng khắp các căn cứ ở Nhật, Guam và Diego Garcia và chỉnh lại thỏa thuận với các nước thân thiện để tàu có thể ghé cảng ở Singapore và Malaysia.

Trong khi Trung Quốc tăng cường nắm giữ các đảo và bãi đá ngầm ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông, thì căn cứ quan trọng nhất của nước này ở đảo Hải Nam vẫn cách các tàu chiến đang tham gia cuộc tìm kiếm máy bay mất tích khoảng 3.000 hải lý.

Các tùy viên quân sự cho biêt, việc tiếp cận các cảng ở nước ngoài tương đối dễ dàng dàn xếp đối với các nỗ lực nhân đạo trong thời bình - như cuộc tìm kiếm MH370 hoặc trong các cuộc tuần tra chống cướp biển ở Sừng châu Phi, song vào thời điểm căng thẳng hay xung đột thì lại là chuyện khác.

"Nếu có căng thẳng thật sự và nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc với một đồng minh của Mỹ ở Đông Á, thật khó tưởng tượng tàu chiến Trung Quốc có thể được phép ghé cảng Australia để tiếp tế", một nhà phân tích đóng tại Bắc Kinh cho biết. "Trung Quốc biết rằng việc thiếu hụt những đảm bảo trong ghé cảng là điều cần quan tâm trong một số thời điểm. Khi hải quân lớn mạnh, việc này sẽ trở thành vấn đề nan giải chiến lược".

Zha Daojiong, giáo sư về quan hệ quốc tế ở đại học Bắc Kinh cho biết, cuộc tìm kiếm ở Ấn Độ Dương là một trường hợp ngoại lệ và các nhà chiến lược của Trung Quốc đều biết rõ nước này không thể tự động dựa dẫm vào những cảng biển của các nước đồng minh với Mỹ nếu căng thẳng chiến lược tăng cao.

  • Hoài Linh