-Bạo lực tại miền đông Ukraina càng gia tăng thì lãnh đạo Nga, Mỹ và Ukraina càng lời qua tiếng lại nhiều hơn, kèm với đó là các lời đe dọa nặng nề hơn, trong bối cảnh không có một diễn biến xuống thang nào được thực thi.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Binh sĩ Ukraina tiến vào miền đông trấn áp làn sóng biểu tình đòi liên bang hóa. Ảnh: RIA

Đá bóng trách nhiệm

Các bên tham gia tháo gỡ căng thẳng Ukraina về lời nói thì đều chung quan điểm chỉ có giải pháp chính trị mới hiệu quả, nhưng trên thực tế, bên nào cũng có động thái quân sự làm leo thang tình hình và quay sang chỉ trích các bên còn lại vì các chuỗi diễn biến bùng phát.

Những chỉ trích của các bên đều là lời bên này tố bên kia không thực thi thỏa thuận bốn bên tại Geneva nhằm tháo gỡ khủng hoảng Ukraina.

Phía Mỹ đổ lỗi cho Nga rằng đã ‘không tôn trọng tinh thần cũng như nội dung trong thỏa thuận Geneva’. Theo thỏa thuận này, các bên phải ngừng mọi hoạt động bạo lực tại Ukraina.

“Thay vào đó, chúng tôi tiếp tục chứng kiến những người đàn ông hung hăng, có vũ trang chiếm đóng các tòa nhà, quấy rầy dân chúng, những người bất đồng với họ, gây mất ổn định trong khu vực và chúng tôi không thấy Nga đứng ra, ngăn chặn” – Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu, và cảnh cáo Nga có thể đối mặt với "những hậu quả" vì việc này.

Đại sứ Mỹ tại Ukraina tuyên bố chỉ cho Moscow ‘vài ngày, chứ không phải vài tuần’ để thực thi thỏa thuận bốn bên.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố đẩy trách nhiệm về phía Mỹ đối với căng thẳng tại Ukraina: “Chúng tôi trông đợi phía Mỹ có các biện pháp khẩn cấp để xuống thang căng thẳng. Washington cần gây sức ép đối với giới lãnh đạo Ukraine để ngừng ngay lập tức chiến dịch quân sự ở miền Đông Nam và rút các đơn vị quân sự về căn cứ”.

Đồng thời, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã buộc tội Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đứng sau vụ nổi dậy lật đổ Tổng thống Ukraina Vicktor Yanukovych hồi tháng Hai vừa qua.

“Ở Ukraine, Mỹ và EU đã tìm cách tiến hành một cuộc 'cải cách sắc màu' nữa - một chiến dịch nhằm thay đổi chế độ một cách vi hiến” – ông Lavrov phát biểu.

Lời nói không đi với việc làm

Trong khi Mỹ và Nga không ngừng đổ trách nhiệm cho nhau thì Ukraina vẫn tiến hành trấn áp bạo loạn ở miền đông sau khi đạt được thỏa thuận Geneva vì lý do máy bay quân sự của Ukraina bị trúng đạn và hai người thuộc phe chính phủ thiệt mạng.

Đã có thêm 5 người thuộc phe thân Nga thiệt mạng trong đợt trấn áp gần đây nhất của Ukraina vào thành phố Slavyansk.

Trước diễn biến này, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chính quyền lâm thời ở Kiev sẽ phải "lãnh hậu quả" khi mở cuộc tấn công quân sự vào các thành phố do lực lượng biểu tình ly khai nắm giữ ở miền Đông Ukraine. 

Ông Putin gọi chiến dịch ‘chống khủng bố’ của Kiev là "hành động tội ác nghiêm trọng chống lại chính đồng bào mình". 

"Nếu Kiev thật sự bắt đầu sử dụng quân đội nhắm vào người dân thì đó là tội ác vô cùng nghiêm trọng chống lại chính đồng bào mình," ông Putin tuyên bố đồng thời gọi chính quyền hiện thời do phương Tây hậu thuẫn ở Kiev là "độc tài quân sự". 

Đáp lại, quyền Tổng thống Ukraina Oleksander Turchynov đã kêu gọi Nga rút binh sỹ khỏi biên giới hai nước, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine và chấm dứt hành động "tống tiền".

Ông Turchynov nêu rõ: "Chúng tôi sẽ không đầu hàng trước mối đe dọa khủng bố. Chúng tôi yêu cầu Nga ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine và rút quân khỏi biên giới miền Đông Ukraine".

Căng thẳng liên hoàn 

Động thái Kiev tăng cường chiến dịch quân sự ở miền đông trở thành lý do để Nga tuyên bố tập trận cường độ mạnh và quy mô lớn ở sát biên giới Ukraina. 

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu giải thích rằng Nga tập trận chỉ là ‘phản ứng tình thế’, vì Ukraina nối lại chiến dịch quân sự nhằm vào người chống đối và phương Tây liên tục tập trận sát Nga. 

Những bước đi của Nga một lần nữa lại dấy lên phản ứng gay gắt của Mỹ, cùng với đe dọa đi kèm như mọi khi. 

Ngoại trưởng John Kerry nói rằng nếu như Tổng thống Putin tiếp tục chiều hướng hiện này ở Ukraian, đó sẽ là một ‘sai lầm phải trả giá đắt’. Còn tại Tokyo, Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ ‘đã sẵn sàng hành động’. 

Thông điệp mà ông Kerry gửi tới ông Putin là: “Cánh cửa để thay đổi chiều hướng đang khép lại”, Nga phải thay đổi chiều hướng ‘gây hấn’ hoặc là phải đối mặt với các hậu quả ‘khốc liệt’ và ‘đắt giá’ từ cộng đồng quốc tế thống nhất. 

Song song với các đe dọa này, NATO liên tục điều binh sĩ và khí tài tới khu vực Biển Đen. Nhiều chiến hạm của liên minh đã được triển khai, trong đó có tàu khu trục có tên lửa dẫn đường Donald Cook của Mỹ, cùng với trực thăng và hai tàu tấn công khác. 

Các máy bay ‘Cảnh sát bầu trời’ của NATO liên tục tuần tra trên khu vực biển Baltic và chiến hạm của liên minh được triển khai ở khu vực này và đông Địa Trung Hải. 

Trong một động thái kém gay gắt hơn nhiều so với những lời đe dọa, Mỹ cử một tốp 150 lính dù đầu tiên tới Ba Lan để tập trận.  

Như vậy là, chỉ hơn một tuần sau Geneva, một loạt động thái liên hoàn giữa Mỹ, Nga, Ukraina và phương Tây đã không những không thể giải tỏa căng thẳng tại Ukraina, mà còn mở ra một nguy cơ về làn sóng bạo lực leo thang mới ngay khi thỏa thuận giữa bốn bên liên quan này còn chưa kịp ráo mực. 

Lê Thu