Thái Lan sẽ lao sâu vào vòng xoáy bất ổn chính trị sau khi Tòa Hiến pháp nước
này quyết định phế truất Thủ tướng Yingluck Shinawatra vì tội lạm quyền.
TIN BÀI KHÁC:
Nhận định trên đây là của nhà báo TIME Charlie Campbell. Ông cho biết, hàng chục nghìn người đã sẵn sàng biểu tình phản đối quyết định của tòa.
Theo phán quyết ngày 7/4, nữ Thủ tướng 46 tuổi của Thái Lan bị kết tội lạm quyền khi thuyên chuyển chỉ huy Hội đồng An ninh quốc gia sang một vị trí khác hồi năm 2011. Một số vụ kiện khác cũng đang chờ đón bà.
Yingluck khẳng định mình không làm gì sai. Bà nhấn mạnh trước Tòa Hiến pháp hôm 6/5 rằng: "Tôi được quyền thực thi những trách nhiệm tôi có đối với người dân".
Bà Yingluck Shinawatra. (Ảnh: Reuters)
Trong khi các đối thủ của Yingluck cáo buộc việc thuyên chuyển một quan chức
dân sự là vi hiến và là một nỗ lực nhằm củng cố quyền lực cho đảng Pheu Thái,
những người ủng hộ bà gọi quyết định của tòa án là một hành động quá giới hạn và
gây sửng sốt.
"[Quyết định] cho thấy mức độ chính trị hóa và thỏa hiệp của hệ thống tòa án Thái Lan trong thập niên vừa qua", Thitinan Pongsudhirak, Giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok nhận xét với báo TIME. "Ở hầu hết các nước khác, chính phủ đương nhiệm có quyền thực hiện việc thuyên chuyển quan chức".
Bên cạnh đó, tòa án cao nhất của Thái Lan cũng tuyên bố "9 thành viên nội các
hiện thời, những người làm việc cùng Yingluck trong năm 2011, phải rời khỏi vị
trí của mình".
Trong nửa năm qua, Thái Lan đã phải chật vật bước đi trên bờ vực bất ổn.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra hồi tháng 11, xuất phát từ sự phản đối một dự luật ân xá cho phép anh trai bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong, trở về nước. Ông trùm viễn thông này là một nhân vật gây chia rẽ. Được dân chúng nông thôn tín nhiệm nhưng lại bị tầng lớp trung lưu thành thị chán ghét, Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006. Sau đó, ông bị kết tội tham nhũng vắng mặt, các tội danh mà tỷ phú này khẳng định mang động cơ chính trị.
Mặc dù dự luật ân xá bị hủy bỏ, Thủ tướng Yingluck vẫn đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối cùng những cáo buộc bà chỉ là con rối cho anh trai giật dây. Để tìm lối thoát, Yingluck quyết định tổ chức bầu cử vào ngày 2/2 nhằm tái xác nhận quyền lực của mình nhưng sự kiện này đã bị phe Dân chủ đối lập tẩy chay.
Các nhà hoạt động của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC), tổ chức dẫn dắt phong trào phản đối gia tộc Shinawatra, cũng bao vây các trạm bỏ phiếu nên cuộc bầu cử không thể diễn ra trọn vẹn. PDRC muốn chính phủ Yingluck phải từ chức và trao quyền cho một "hội đồng nhân dân" không qua bầu chọn. Hội đồng này sẽ điều hành đất nước trong khi các cải cách được thực thi để loại bỏ ảnh hưởng của gia đình Shinawatra.
Các cuộc bầu cử mới được quyết định diễn ra vào ngày 20/7 song một lần nữa, đảng Dân chủ dọa sẽ tẩy chay.
"Chúng ta đã chứng kiến một nỗ lực phối hợp của những người biểu tình trên đường phố, của PDRC, Đảng Dân chủ và các cơ quan độc lập làm việc trong cùng một hướng, theo các cách khác nhau nhằm hạ bệ Yingluck", Giáo sư Thitinan nhận định. Và theo ông, các lực lượng này giờ đây đã được tòa án trao cho một cú huých lớn.
Đây không phải là lần đầu tiên một chính phủ thân Thaksin bị Tòa Hiến pháp Thái lan hạ bệ. Hồi năm 2008, cùng tòa án này đã phế truất Thủ tướng Samak Sundaravej vì dẫn một chương trình nấu ăn trên truyền hình.
Nhưng giờ đây, sau khi Tòa Hiến pháp ra phán quyết, sẽ có một cuộc phô diễn lực lượng nữa trên đường phố Thái Lan. Hiện đã có hàng chục nghìn người ủng hộ Yingluck dự kiến sẽ có mặt ở thủ đô Bangkok vào Chủ nhật tới.
Trong các cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây nhất, khoảng 20 người đã thiệt mạng trong các vụ nổ súng, đánh bom và đụng độ bạo lực. Năm 2010, khoảng 90 chết và 2.000 người bị thương trong một chiến dịch trấn áp của chính phủ nhằm vào một cuộc biểu tình của phe Áo Đỏ ở trung tâm Bangkok.
Theo giới quan sát, sau quyết định ngày 7/4 của Tòa Hiến pháp Thái Lan, đất
nước vốn đã hứng chịu bất ổn suốt cả thập niên qua này sẽ càng dấn sâu hơn vào
vòng xoáy hỗn loạn.
Thanh Hảo