Hải quân Ukraina đang đóng tại cảng Odessa nhưng sự hiện diện này rất khó
nhận ra do họ bị lu mờ trước những tàu hàng lớn đậu bên cạnh. Lực lượng này giờ
chỉ có vài chục con tàu và phần lớn trong tình trạng cần sữa chữa gấp.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Hải quân Ukraina rơi vào tình cảnh trên sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm cách đây 2 tháng và tiếp quản luôn căn cứ chủ chốt cùng hầu hết các tàu của lực lượng này. Và giờ đây, tình hình ngày càng trở nên tồi tệ.
Con tàu duy nhất còn hoạt động tốt của Hải quân Ukraina là khu trục hạm Hetman Sagaydachniy. (Ảnh: Reuters) |
Theo báo Business Insider, quân đội Ukraina hiện đang phải đối mặt với khủng hoảng chưa từng có, với một lực lượng hải quân đã mất đi 2/3 tổng số tàu, lục quân thì đang khẩn thiết cần các trang thiết bị cơ bản trong khi bộ quốc phòng thì phải xoay xở bằng cách nhắn tin điện thoại di động cho dân chúng xin hỗ trợ.
Đến nay, họ đã quyên được hơn 1 triệu USD bằng cách này - đủ để mua một tên lửa đánh chặn trên một tàu chiến của Hải quân Mỹ.
"Chúng tôi sẽ dùng số tiền này để mua những thứ chúng tôi thiếu, chẳng hạn như mũ chống đạn và thuốc men", Thứ trưởng Quốc phòng Bogdan Buta cho biết.
Trong khi đó, các đồng minh phương Tây của Kiev, trong đó có Mỹ, thể hiện rất ít thiện chí giúp Ukraina tái vũ trang, bởi lo ngại rằng tăng thêm các loại vũ khí sẽ làm các cuộc đàm phán ngoại giao đổ vỡ hoặc khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin tức giận hơn nữa.
Việc để Crưm - một bán đảo nằm sâu trong Biển Đen - sáp nhập Nga đồng nghĩa với việc Kiev mất đi các trụ sở hải quân cùng nhiều căn cứ của lực lượng này và tất cả các tàu thuyền ở đó. Nó khiến cho Ukraina không có ảnh hưởng nhiều đến cuộc khủng hoảng của chính mình và có rất ít sức mạnh ở Biển Đen, mặc dù nước này có một bờ biển dài cùng nhiều cảng khác.
Thành phố Odessa giờ đây đang là căn cứ chính của hải quân Ukraina.
Được thành lập sau khi tách khỏi Liên Xô năm 1991, Ukraina thậm chí không nghĩ họ cần một lực lượng hải quân lớn, theo Evgenii Livshyts - một chỉ huy tàu ngầm về hưu đang sống ở Odessa. Các tư lệnh hải quân nghĩ rằng, Moscow sẽ vẫn là một sự hiện diện thân thiện vì Nga đóng Hạm đội Biển đen hùng hậu của nước này ở Crưm và trả tiền thuê căn cứ tại đó.
Kiev "tin người anh cả sẽ bảo vệ mình và mọi thứ sẽ vẫn như trước", Livshyts nói thêm.
Một số thủy thủ Ukraina đã quyết định "đầu quân" cho Nga, sau khi Moscow sáp nhập Crưm, trong đó có chỉ huy hải quân quốc gia, Đô đốc Denis Berezovsky. Nhưng số lính còn lại khẳng định nhuệ khí của họ không hề tụt giảm.
Trong những năm qua, các chính phủ ở Kiev chỉ duy trì mức ngân sách tối thiểu dành cho quân sự, và các nhà chức trách cho biết, Tổng thống thân Nga bị lật đổ Viktor Yanukovych thậm chí còn "bỏ đói" các lực lượng vũ trang quốc gia.
Ukraina chi 5 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2013, ít hơn 10% những gì Nga thông báo dành cho quân đội của mình. Kết quả là binh sĩ Ukraina thiếu thốn mọi mặt, từ huấn luyện cho tới áo chống đạn. Tổng thống lâm thời hiện nay, Oleksandr Turchynov, xác nhận nước ông giờ chỉ còn 6.000 binh sĩ đủ sức sẵn sàng chiến đấu.
Hải quân còn tồi tệ hơn nhiều. Đội tàu cũ nát với nhiều chiếc cần phải lai dắt khi di chuyển nhưng tổng số cũng đã giảm mạnh, từ 75 tàu trước khi Nga tiếp quản Crưm, xuống còn 28 chiếc sau đó.
"Hải quân Ukraina trước kia đã yếu giờ còn yếu hơn", Business Insider dẫn lời chuyên gia quân sự Pavel Felgenhauer ở Moscow. "Họ chỉ có duy nhất một con tàu còn hoạt động tốt".
Đó là tàu khu trục nhỏ Hetman Sagaydachniy, không bị Nga tiếp quản khi sáp nhập Crưm, bởi lúc đó tàu đang trên đường trở về sau hành trình chống cướp biển ở ngoài khơi
Sừng châu Phi.
Thanh Hảo