Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặt hái được những gì phương Tây lo ngại: ông đạt được "siêu thỏa thuận" cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, một trục xoay hướng Đông giúp Nga mạnh mẽ hơn trước những lệnh cấm vận mà phương Tây có thể áp đặt.

TIN BÀI KHÁC:

Hợp đồng khí đốt Nga - Trung đã được thương lượng suốt 10 năm qua, với rào cản chủ yếu là về giá cả. Các số liệu của hợp đồng đã được Tổng giám đốc tập đoàn Gazprom Alexey Miller công bố, cho thấy mức giá cuối cùng sẽ vào khoảng 10 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (Btu).

Theo hãng tin Bloomberg, con số này thấp hơn nhiều so với mong muốn của Nga. Số liệu từ Platts cho thấy, mức giá khí đốt trung bình từ Myanmar, Turkmenistan và Uzbekistan là khoảng 10,14 USD trong năm ngoái. Năm nay, Gazprom hy vọng sẽ xuất khẩu khí ở mức giá trung bình 10,62 USD trên 1 triệu Btu nhưng các khách hàng truyền thống của tập đoàn ở châu Âu đang muốn mặc cả xuống. 

{keywords}
Hợp đồng khí đốt Nga - Trung trị giá 400 tỷ USD.

Thương vụ lịch sử mà Tổng thống Putin đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc 2 ngày sẽ mở ra một thị trường lớn mới cho Moscow, trong bối cảnh phía châu Âu đang muốn giảm bớt sự lệ thuộc của họ vào các nguồn cung khí đốt từ Nga. 

Về phía Trung Quốc, hợp đồng cũng giúp nước này "dễ thở" hơn nhiều. Đất nước đông dân nhất thế giới hiện đang dựa 2/3 tổng năng lượng tiêu thụ vào than và đang nóng lòng muốn chuyển sang dùng khí đốt để thay thế vì các lý do về môi trường. Lượng khí đốt nhập khẩu hiện nay của nước này chỉ như muối bỏ biển so với quy mô thị trường tiềm năng. 

Thêm hai điểm nữa: Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giúp Nga rót vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng to lớn của nước này - ước tính ở mức hơn 30 tỷ USD, và Trung Quốc có thể cũng sẽ thanh toán bằng Nhân dân tệ, đảm bảo cho hợp đồng an toàn trước bất kỳ lệnh cấm vận nào của phương Tây. 

Một thông báo chung giữa hai bên được ký trước khi đạt thỏa thuận nghe có vẻ giống như một hiệp ước chống phương Tây. Nhắc lại lập trường của Nga về khủng hoảng Ukraina, văn bản này chứa những lời tố cáo mạnh mẽ nhằm vào các chính sách của châu Âu và Mỹ:

"Các bên nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng di sản lịch sử của các nước, truyền thống văn hóa của họ, lựa chọn độc lập của họ về hệ thống chính trị xã hội, hệ thống giá trị và con đường phát triển, về việc chống lại sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, về việc phản đối ngôn ngữ của các lệnh cấm vận đơn phương, hoặc tổ chức, hỗ trợ, cấp kinh phí hay khuyến khích hoạt động nhằm thay đổi hệ thống hiến pháp của nước khác, hoặc lôi kéo nước đó vào bất kỳ một liên minh hoặc khối đa phương nào". 

Đi kèm cùng một loạt các hợp đồng và thỏa thuận nhỏ hơn, đó là tất cả những gì mà ông Putin có thể mong muốn. Trung Quốc dường như không thấy có bất lợi trong việc tăng cường quan hệ hợp tác với Nga. Nước này vừa nhận được nguồn cung năng lượng tin cậy, vừa có được sự yên ổn dọc đường biên giới dài 2.600 dặm và nhiều điều khoản dễ dàng hơn cho các công ty muốn đầu tư vào lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên to lớn của Nga. 

Trong khi đó, phương Tây vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc sản xuất các hàng hóa công nghiệp và duy trì một mức độ đầu tư cao vào nợ công. Do vậy, Bắc Kinh khó có thể phải hứng chịu một sự tác động chính trị nào từ việc tiếp đón ông Putin trong khi lãnh đạo Nga đang bị lên án ở phương Tây. 

Bloomberg cho rằng, về phần Putin, ông gần như xuất hiện như một người chiến thắng trong kế hoạch phiêu lưu về Crưm. Liên minh với Trung Quốc cho phép ông "ra khỏi đám lau sậy như một chú cá sấu no nê". Vào lúc này, ông không còn "đói bụng" nữa, và không hề có nguy cơ ngay lập tức nào về một sự cô lập hoàn toàn. 

Thanh Hảo