Mỹ dẫn đầu làn sóng chỉ trích rộng khắp trên thế giới về việc quân đội Thái Lan quyết định thâu tóm quyền lực từ tay chính phủ để "phục hồi trật tự và luật pháp".

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định không có "sự biện minh nào" và khoản 10 triệu USD viện trợ song phương có thể bị đình chỉ.

"Trong khi chúng ta coi trọng tình hữu nghị lâu dài của chúng ta với người Thái, hành động này sẽ có những tác động tiêu cực lên mối quan hệ Mỹ - Thái", BBC dẫn lời ông Kerry.

{keywords}
Thủ đô Thái Lan tương đối yên bình trong đêm đầu tiên chịu giới nghiêm. (Ảnh: AP)


Anh kêu gọi "tất cả các bên gạt bỏ những bất đồng của mình, tôn trọng các giá trị dân chủ và thượng tôn pháp luật".

Tổng thống Pháp và Ngoại trưởng Đức cũng lên án cuộc đảo chính, còn Bộ Ngoại giao Nhật Bản gọi sự kiện này là "đáng tiếc".

Một phát ngôn viên của quan chức phụ trách chính sách ngoại giao EU Catherine Ashton phát biểu rằng điều quan trọng là phải tổ chức "các cuộc bầu cử toàn diện và đáng tin cậy càng sớm càng tốt".

Singapore, một thành viên trong Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN), nêu lên "sự quan ngại sâu sắc".

Liên Hợp Quốc bày tỏ "lo ngại nghiêm trọng", với Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi một sự "quay trở lại lập tức quyền điều hành dân chủ, dân sự và đúng với hiến pháp".

Tuyên bố đảo chính chiều ngày 22/5, quân đội Thái Lan đã đình chỉ hiến pháp, cấm tụ tập đông người và bắt giữ các chính trị gia, viện dẫn hành động này là cần thiết sau nhiều tháng đất nước chịu bất ổn.

Trước đó, vào ngày 20/5, Tổng tư lệnh Prayuth Chan-ocha đã ban bố lệnh thiết quân luật. Hai ngày sau đó, ông triệu tập các lãnh đạo chính trị tới Bangkok để cùng nhau bàn bạc về khủng hoảng. Tuy nhiên, ngay sau đó, vị tướng này lên truyền hình tuyên bố đảo chính.

Một số nhân vật chủ chốt tại cuộc hội đàm, trong đó có thủ lĩnh biểu tình đối lập Suthep Thaugsuban và lãnh đạo phe ủng hộ chính phủ Jatuporn Prompan, đã bị bắt giữ.

Quyền Thủ tướng Niwatthamrong Boonsongphaisan không có mặt tại cuộc họp và nơi ở của ông này hiện vẫn chưa rõ.

Niwatthamrong và toàn bộ các thành viên Nội các cùng với hai cựu Thủ tướng là bà Yingluck và ông Somchai Wongsawat đều được lệnh phải báo cáo với quân đội. Khoảng 23 thành viên đảng Pheu Thái cầm quyền cũng phải tập trung.

Sau khi quân đội tuyên bố đảo chính, tình hình ở Bangkok diễn ra tương đối yên bình. Chỉ có một điểm nóng là trại "Áo Đỏ" của những người ủng hộ chính phủ ở ngoại ô phía tây thành phố nhưng họ cũng hoạt động rất trật tự.

Trên các con phố, xe cộ qua lại thưa thớt vào ban đêm nhưng đến gần sáng khi sắp hết giờ giới nghiêm thì lại tấp nập như bình thường.

Truyền hình bị giới hạn chỉ phát các thông báo của quân đội và các ca khúc yêu nước. Nhiều kênh ngừng đã phát sóng.

Quân đội Thái Lan đã tiến hành ít nhất 12 cuộc đảo chính kể từ khi nước này chấm dứt nền quân chủ chuyên chế năm 1932.

Thanh Hảo