Chính phủ Thái Lan cuối cùng cũng đã bị đảo chính sau sáu tháng liên tiếp phải làm việc với tòa án và biểu tình của người dân.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Thái Lan giờ đang được một vị tướng quân đội là Prayuth Chan-ohca nắm quyền điều hành. Ông Prayuth là người có quan hệ mật thiết với hoàng gia.
Quân đội lập hàng rào sắt ở Thái Lan |
Rất nhiều người Thái chỉ biết về vụ đảo chính qua truyền hình, khi ông Prayuth và những lãnh đạo quân đội tuyên bố họ đặt đất nước vào tình trạng thiết quân luật. Ông Prayuth nói rằng ông quyết định ‘nắm quyền’ để thiết lập lại trật tự và hòa bình sau khi đất nước bị chia rẽ vì xung đột chính trị.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đảo chính là một hành động gây hấn có khả năng khiến Thái Lan thêm bất ổn.
Dưới đây là một số điều có thể xảy ra trong thời gian tới tại Thái Lan mà tờ Global Post lưu ý.
1. Thủ tướng ‘trung lập’ có thể không hề trung lập
Quân đội Thái Lan hiểu rõ rằng cả trong và ngoài nước đều không ưa đảo chính. Mỹ đã chỉ trích đảo chính lần này và thậm chí còn có thể trừng phạt. Quân đội Thái có thể sẽ bổ nhiệm một thủ tướng không qua bầu cử, tự cho là ‘trung lập’ để giám sát giai đoạn hàn gắn dân tộc.
Đây có thể là một hành động chiếm quyền được ngụy trang như một thỏa hiệp. Một phong trào xuống đường tự nhận là ‘đảo chính của nhân dân’ đã khuấy động cho một kết quả như vậy. Đảng Dân chủ được giới tinh hoa hậu thuẫn cũng làm vậy dù đảng này không hề thắng cử suốt hai thập kỷ qua. Thậm chí các thể chế tự nhận là ‘độc lập’ – như ủy ban bầu cử và tòa án Thái Lan – cũng làm vô hiệu các cuộc bầu cử và phế truất các thủ tướng được bầu nên vì các bê bối liên quan.
Tất cả có vẻ như đang nhận ra rằng một thủ tướng chỉ định là cách duy nhất để chấm dứt một mạng lưới chính trị đã thắng trong tất cả các cuộc bầu cử trong thế kỷ 21 ở Thái Lan. Mạng lưới này được cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra điều hành và bị buộc tội tham nhũng.
Các đảng của ông Thaksin giành được quyền lực từ các tầng lớp lao động và nội địa, vốn ưa thích các chính sách nhằm vào người nghèo. Nhưng việc mạng lưới này nổi lên đã khiến các quan chức quân đội cao cấp, cận thần hoàng gia và các tầng lớp trung lưu thị thành nổi giận vì họ lựa chọn các ứng viên không thể giành được đa số phiếu.
2. Bước lùi từ đảo chính
“Giờ thì đây là đảo chính – sẵn sàng cho một cuộc trả đũa từ UDD”. Đây là những gì mà phong trào chống đảo chính ở Thái Lan có tên Mặt trận thống nhất Dân chủ chống đảo chính tuyên bố ngay sau khi có thông tin đảo chính.
Nhóm này là ủy ban ban trung tâm của phong trào Áo đỏ, một liên minh lỏng lẻo với một mục tiêu chung: chống đảo chính vào bảo vệ luật bầu cử, vốn hay đưa những bên có liên quan tới nhà Shinawatra lên nắm quyền.
Phong trào Áo đỏ trước đó đã cảnh báo rất mơ hồ về các kế hoạch đấu tranh chống lại đảo chính bằng một cuộc nổi dậy lớn có thể dẫn tới việc kháng cự bằng vũ trang.
Chỉ vài giờ sau đảo chính, một nhân vật cấp cao trong phong trào Áo đỏ là Pichit Tamoon ở Chiang Mai cho biết năm lãnh đạo của họ đã bị quân đội ‘mời’ làm việc. Trên khắp đất nước, các lãnh đạo cấp cao của phong trào này đã bị triệu tập; những người biểu tình và chính trị gia đối địch với đảo chính đều bị bắt giữ.
“Thực ra vẫn có thể hợp tác thay vì đối đầu. Nếu họ hứa tiến tới và nhanh chóng kêu gọi một cuộc bầu cử, chúng tôi sẽ chẳng có vấn đề gì” – ông Pichit nói. “Còn không, chúng tôi vẫn có kế hoạch đấu tranh theo cách mà tôi không thể nói được gì vào lúc này”.
3. Siết chặt tự do ngôn luận
Rất nhiều kênh truyền hình và đài phát thanh Thái Lan bị đóng cửa. Tín hiệu từ các kênh truyền hình nước ngoài như CNN và Al Jazeera đều bị ngắt quãng. Quân đội đã tìm cách tạo nên hiệu ứng ghê rợn lên tự do ngôn luận bằng các cảnh báo không được phát ngôn theo cách ‘phản đối’ chiến dịch của họ hoặc ‘leo thang xung đột’.
4. Các mối quan hệ với hoàng gia
Sự tôn kính đối với vị vua Thái Lan 86 tuổi không chỉ là truyền thống. Đó còn là luật. Chỉ trích gia đình hoàng gia có thể bị phạt 15 năm tù. Lãnh đạo quân đội là một người ủng hộ các hạn chế về tự do ngôn luận như vậy.
Quân đội hay có xu hướng đảo chính đã lật đổ nhiều đảng phái chính trị, nhưng tuyên bố đời đời bảo vệ hoàng gia Thái Lan. Tất cả các đảng phái chính trị tìm cách tranh thủ Quốc vương đều phải giữ một vị thế khiêm nhường và lễ độ bên trên một thế giới chính trị đảo điên.
Nhưng với các con của Quốc vương, câu chuyện lại khác. Rất nhiều người trong phong trào Áo đỏ có cảm tình với hoàng tử - người có một vị trí quan trọng trong quân đội. Còn phe đối lập (tức là phong trào ‘đảo chính nhân dân’) lại ưa thích công chúa hơn, và gọi cô là ‘thiên thần’.
Việc ai đó công khai ủng hộ cho một nhân vật hoàng gia đứng ra lãnh đạo trong tương lai có thể dẫn tới việc bị khép tội hình sự. Nhưng người dân Thái Lan vẫn đang thầm thì bàn tán về thể chế trong tương lai – và lưu ý xem phe phái chính trị nào sẽ được lợi từ các hệ quả có thể xảy ra.
Lê Thu