Các hoạt động kinh doanh ở Thái Lan thường không bị ảnh hưởng vì bất ổn nhưng cuộc đảo chính quân sự ngày 22/5 diễn ra trong một hoàn cảnh chính trị đã thay đổi.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


"Lần này khá khác biệt với các cuộc đảo chính mà chúng ta đã chứng kiến trước kia. Đây là loại khủng hoảng chính trị trăm năm mới có một lần", hãng tin CNBC dẫn lời Ernest Bower, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Các nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, nhận định.

{keywords}
Quân đội Thái nói đảo chính là để khôi phục trật tự và thúc đẩy cải cách chính trị. (Ảnh: EPA)

Sau hơn 7 tháng chứng kiến các cuộc biểu tình rầm rộ và hai ngày thiết quân luật, Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha tuyên bố quân đội nắm giữ quyền lực trong một cuộc đảo chính. Báo chí đưa tin, các lãnh đạo của phong trào Áo Đỏ ủng hộ chính phủ đã bị bắt giữ.

Đến nay, Thái Lan đã trải qua 19 lần đảo chính quân sự, với 12 lần thành công, kể từ khi nước này trở thành một nền quân chủ lập hiến năm 1932.

"Đó là về chuyện ai sẽ nắm quyền khi việc nối ngôi ở Hoàng gia diễn ra", ông Bower nói với CNBC, đồng thời nhận định, quân đội không muốn chịu nguy cơ lực lượng ủng hộ chính phủ lên nắm quyền trong thời kỳ chuyển giao này.

Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã trị vị nền quân chủ lập hiến ở Thái Lan hơn 60 năm nhưng sức khỏe của ông đang giảm sút. Tuy ông được người dân khắp cả nước sùng kính nhưng Thái tử nối ngôi là một nhân vật ít được biết đến hơn nhiều.

Theo CNBC, một số người biểu tình chống chính phủ tin rằng, tầm vóc của chế độ quân chủ đang bị đe dọa bởi sự nổi tiếng của Thaksin Shinawatra, cựu Thủ tướng bị lật đổ trong một cuộc đảo chính cũng do quân đội thực hiện năm 2006.

"Phe Á Vàng (chống chính phủ) nghĩ đây là cơ hội cuối cùng của họ để "ấn định mọi thứ" trước khi... Quốc vương qua đời và chúng ta có một quốc vương mới", Steve Vicker - Tổng giám đốc hãng tư vấn giảm nhẹ rủi ro Steve Vickers & Associates, nói với CNBC. "Đó là cơ hội cuối cùng của họ để thay đổi hiến pháp, thay đổi hệ thống bầu cử".

Một lo ngại khác là tiềm năng bùng phát bạo lực khi phe Áo Đỏ ủng hộ chính phủ được tổ chức tốt hơn so với hồi xảy ra đảo chính năm 2006. Áo Đỏ hiện nay dường như có khả năng không chỉ huy động được các cuộc biểu tình quy mô lớn trên đường phố mà còn có thể hình thành một lực lượng đối lập nghiêm trọng từ thành trì ở miền bắc đất nước.

Trong những lần hỗn loạn chính trị trước kia, việc làm ăn ở Thái Lan hiếm khi chịu tác động, nhưng lần này, kinh tế bị ảnh hưởng rõ ràng, với GDP quý 1 giảm 2,1% nhiều hơn dự kiến/quý. Nhiều chuyên gia phân tích còn hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Thái Lan.

"Nếu Thái Lan không chịu bất ổn chính trị căng thẳng này thì nền kinh tế có thể tăng trưởng khoảng 4-4,5% năm nay. Giờ chúng tôi đang đánh giá ở mức 1-2%", CNBC trích lời Thomas Byrne, một Phó Chủ tịch cấp cao tại Moody. Ông dẫn chứng, bất ổn đã khiến cho các dự án hạ tầng hứa hẹn trị giá khoảng 60 tỷ USD bị đình hoãn.

"Họ thực sự cần một chính phủ có thể thông qua một ngân sách mới và có thể có được chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đạt mức họ mong muốn. Tôi nghĩ điều đó cần thiết cho sự cạnh tranh dài hơi của nền kinh tế Thái Lan", Byrne nói với CNBC.

Hiện chưa rõ động thái mới của quân đội Thái Lan sẽ ảnh hưởng đến các thị trường tài chính tới mức nào. Lúc đầu đồng Baht phản ứng tiêu cực với thông tin đảo chính nhưng sau đó đã phục hồi. Giá USD vào khoảng 32,44 Baht, tụt khỏi mức 32,59 Baht sau khi Tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố nắm giữ quyền lực.

Thanh Hảo