Nga vừa quyết định dừng cấp khí đốt cho Ukraina do tranh cãi quanh khoản nợ mà Kiev chưa thanh toán. Động thái này có nguy cơ phá vỡ nguồn cung cấp nhiên liệu sang các khu vực khác của châu Âu.

TIN BÀI KHÁC:

Theo tin từ Tân Hoa xã, Tập đoàn Khí đốt Gazprom của Nga thông báo sẽ áp dụng chính sách đòi tiền trước đối với hãng Naftogaz vì công ty Ukraina này không thực hiện nghĩa vụ trả các hóa đơn nhiều tỷ đôla.

{keywords}
Gazprom cắt nguồn cung khí đốt sang Ukraina vì Kiev không trả hết nợ.

"Quyết định trên được đưa ra bởi vì Naftogaz của Ukraina không thanh toán nợ. Nợ đọng về khí đốt Nga của công ty này hiện là 4,458 tỷ USD", Gazprom nhấn mạnh trong một thông báo, đồng thời giải thích thêm rằng khoản 1,451 tỷ USD là nợ tiền khí giao từ giữa tháng 11 đến tháng 12 năm 2013 và 3.007 tỷ USD là từ tháng 4 đến tháng 5 năm nay.

Quyết định trên có hiệu lực từ 10h sáng ngày 16/6 (giờ địa phương) vài giờ sau khi đại diện của Nga, Ukraina và EU nhóm họp nhưng không gạt bỏ được bất đồng.

Gazprom thông báo công ty đã đâm đơn kiện lên tòa án trọng tài Stockholm đòi Ukraina phải trả hết nợ khí đốt. Trong khi đó, Naftogaz cũng cho biết sẽ kiện lên cùng tòa án, không thừa nhận mức giá mà Gazprom áp đặt.

Hãng Ukraina còn khẳng định họ sẽ đòi Gazprom bồi hoàn khoảng 6 tỷ USD tiền trả "phụ trội" do hợp đồng khí đốt "gian lận" kể từ năm 2010.

EU đã nỗ lực làm trung gian hòa giải cho một thỏa thuận mang tính xây dựng liên quan đến tranh cãi khí đốt giữa Nga và Ukraina song không đạt kết quả.

Theo tin từ Interfax, Tổng giám đốc Gazprom Alexei Miller gọi lập trường của Kiev là "tống tiền", quả quyết rằng "cuộc khủng hoảng khí đốt nhân tạo.... rốt cuộc sẽ gây hại cho nền kinh tế Ukraina".

Thủ tướng Dmitry Medvedev tuyên bố Nga sẽ không khép lại cơ hội cho đối thoại. "Nếu các đồng nghiệp của chúng tôi ở Ukraina lắng nghe lập luận (của chúng tôi) tốt hơn và trở lại một cuộc thảo luận về những đề nghị có tính nhượng bộ cao độ và rất ưu ái của phía Nga thì tôi nghĩ chúng tôi sẽ sẵn sàng tiếp tục đối thoại. Nhưng tất nhiên, với điều kiện nợ phải được thanh toán đầy đủ", ông khẳng định.

Gazprom cam kết sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho khách hàng ở các khu vực khác của châu Âu với số lượng đủ, đồng thời cảnh báo EU về khả năng có sự gián đoạn trong việc trung chuyển khí đốt qua Ukraina.

Trong một diễn biến khác, ngày 16/6, Thủ tướng Ukraina Arseny Yatsenyuk đã tuyên bố "tình trạng khẩn cấp" trong ngành năng lượng của nước này sau khi Nga dừng cung khí đốt.  

Thanh Hảo