Nhật Bản vừa có một bước ngoặt lịch sử khi Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe bỏ lệnh cấm quân đội nước này tham chiến ở nước ngoài. 

TIN BÀI LIÊN QUAN:


{keywords}
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Theo hãng tin BBC, từ giờ trở đi, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã có thể tham gia vào các hoạt động liên quan đến phòng thủ tập thể. Về nguyên tắc, trong tương lai, SDF có thể trợ giúp lực lượng của các nước khác trong trường hợp sự sinh tồn và an ninh của Nhật Bản hoặc của người dân nước này bị đe dọa.

Bước đi của Tokyo đang gây tranh cãi cao độ, vì nó là sự chuyển hướng đột ngột khỏi nền chính trị thời hậu chiến, vốn được nêu trong Điều 9 của Hiến pháp Nhật, giới hạn việc sử dụng sức mạnh quân sự chỉ trong phạm vi bảo vệ dân chúng và lãnh thổ nước này.

Theo các quy định mới, hoạt động phòng thủ của Nhật Bản có thể được mở rộng theo nhiều viễn cảnh khác nhau. Một trong số đó là yểm trợ cho các lực lượng Mỹ bị tấn công xung quanh Nhật Bản, hợp tác về quân sự với Mỹ để bảo vệ các công dân Nhật gặp nguy hiểm ở nước ngoài, tham gia quét phá mìn trong một thời kỳ chiến tranh, cử quân đi bảo vệ sự tiếp cận các nguồn cung năng lượng hoặc các hải trình đóng vai trò sống còn với Nhật Bản.

Về lý thuyết, chính sách mới sẽ cho phép Nhật Bản hợp tác với bất kỳ nước nào mà họ có "các mối quan hệ thân thiết", bằng cách đó mở rộng quy mô hợp tác quân sự với các nước khác chứ không bó hẹp trong việc bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản.

Toàn quyền hành động?

Dư luận ở Nhật Bản hiện đang bị chia rẽ về những thay đổi kể trên, với 50% phản đối và 34% ủng hộ, theo một cuộc thăm dò dư luận của Nikkei.

Phe phản đối đưa ra nhiều lý do, phần nào chứng tỏ những tranh cãi chưa thể giải quyết được về nhân dạng chính trị thời hậu chiến của Nhật Bản. Tuy nhiên, một phần khác cũng xuất phát từ tâm lý chưa chắc chắn về các mục tiêu an ninh dài hạn mà chính quyền Abe đã đặt ra. 

Trong khi đó, cả ở bên trong lẫn bên ngoài nước Nhật, đặc biệt là giữa các láng giềng thân cận như Hàn Quốc và Trung Quốc, có một số lo ngại rằng chính sách mới của Tokyo sẽ cho phép chính quyền Abe triển khai binh lính một cách tự do trên một phạm vi rộng của các tình huống xung đột.

Tuy nhiên, Thủ tướng Abe đã loại trừ những lựa chọn như vậy và rất thận trọng khi phân biệt giữa phòng thủ tập thể (nhằm bảo vệ tài sản và lợi ích quốc gia của Nhật Bản) và an ninh tập thể - nơi các nước hợp tác để bảo vệ các lợi ích chung khi bị ngoại quốc xâm lăng. Chính ông Abe cũng khẳng định rõ rằng, các lực lượng của Nhật sẽ "không tham gia chiến đấu trong những cuộc chiến như Chiến tranh Vùng Vịnh và Chiến tranh Iraq".

Ý định chiến lược

Abe dường như có một số ý định về sự thay đổi chính sách quân sự. 

Sự thay đổi ấy sẽ mang lại cho Nhật Bản một quyền hạn lớn hơn trong tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ - điều mà Washington luôn năng nổ khuyến khích như một phần của việc sửa đổi lại Những hướng dẫn Quốc phòng chung Nhật - Mỹ, vốn không thay đổi từ năm 1997.

Nó cũng sẽ mở ra cánh cửa tiềm tàng cho một sự hợp tác quốc phòng tích cực hơn giữa Nhật với các quốc gia khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chẳng hạn như Australia và Philippines. Hai nước này đều hoan nghênh bước đi mới của Nhật, vì họ đang lo lắng trước sự quyết đoán ngày càng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Tổng quát hơn nữa, sự thay đổi trong chính sách quốc phòng Nhật Bản có thể sẽ sẽ làm tăng nhận thức rằng, Nhật Bản giờ đây đã trở thành một nước "bình thường" hơn, về khả năng đóng góp cho an ninh của khu vực và toàn cầu.

Lợi ích về chính trị và ngoại giao từ một sự thay đổi như vậy sẽ rất lớn, có thể góp sức cho nỗ lực lâu nay của Nhật Bản nhằm có được một ghế thường trực trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời tăng sức mạnh cho chiến lược mới đây của ông Abe về việc "tiên phong đóng góp cho hòa bình".

Tuy nhiên, cách tiếp cận mới không phải là không có rủi ro.

Ở trong nước, tuy các đảng chính trị chủ đạo ở Nhật Bản vẫn yếu và chia rẽ nhưng chủ nghĩa tích cực công dân khi phản đối những thay đổi này có thể sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, đặc biệt là ở cấp độ chính trị địa phương. Điều đó có nguy cơ làm giảm sự ủng hộ cho chính phủ trong kỳ bầu cử mùa xuân năm 2015. 

Còn ở nước ngoài, chính sách mới của Nhật có thể sẽ làm tăng căng thẳng cho mối quan hệ vốn đã sóng gió giữa nước này với Hàn Quốc, và làm trầm trọng hơn những bất đồng về chính trị và lãnh thổ với Trung Quốc.

Nói tóm lại, sự mập mờ cố ý quanh các chi tiết của chính sách mới sẽ giúp cho chính phủ Nhật linh động trong việc triển khai quân đội ở nước ngoài nhưng nó lại gây thêm rủi ro về chiến lược và chiến thuật ở một thời điểm mà căng thẳng an ninh trong khu vực đang leo thang. 

Có thể nói, đối với chính phủ Nhật, chính sách mới không chỉ là một bước tiến hoàn toàn tích cực. 

Thanh Hảo