Dựa trên video clip mới đây nhất, MH17 của Malaysia đã lao thẳng xuống đất với tốc độ cực lớn rồi mới phát nổ chứ không phát nổ trên cao. Các chuyên gia cho rằng máy bay khó có thể rơi do lỗi kỹ thuật. 

TIN BÀI LIÊN QUAN

Tình báo Mỹ xác định máy bay Malaysia số hiệu MH17 rơi ở Ukraina, giáp biên giới Nga là do trúng tên lửa đất đối không. 

{keywords}

Theo đồ họa này của Reuters, hệ thống Buk có tầm bay trung bình là 49.000 feet, tương đương 15.000m. Còn máy bay MH17 trước khi gặp nạn đang bay ở độ cao 10.000m. Còn hệ thống tên lửa xách tay của quân ly khai đông Ukraina có tầm bắn 13.000 feet, tương đương gần 4.000m. 

Chính quyền Ukraina nói rằng loại tên lửa này thuộc hệ thống phòng không Buk của Nga sản xuất. 

Ukraina cho rằng, với tầm bắn lên tới 22.000m, hệ thống tên lửa đất đối không Buk có thể bắn hạ máy bay Malaysia – khi đó đang bay ở độ cao 10.000m. 

Vì cả Nga, Ukraina và lực lượng ly khai đông Ukraina được cho là đều sở hữu hệ thống phòng không Buk, nên các cơ quan điều tra đang phân tích đường bay của tên lửa để biết tên lửa xuất phát từ khu vực nào. 

AP cho hay một doanh nghiệp nhà nước chuyên nhập và xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự của Ukraina là Ukroboronservice cho biết, chính phủ Ukraina vận hành hệ thống Buk-M1.  

{keywords}
Lực lượng ly khai đông Ukraina có mặt tại hiện trường máy bay rơi, và đã tìm thấy hộp đen máy bay. Ảnh: BI

NATO gọi hệ thống này là SA-11 Gadfly. Hệ thống này có thể bắn hạ máy bay quân sự, trực thăng, cũng như tên lửa hành trình. 

RIA Novosti dẫn nguồn tin riêng nói rằng trên thực tế, Kiev đã cho triển khai ‘Buk’ ở vùng Donetsk.  

“Theo hệ thống điều khiển, đơn vị phụ trách ‘Buk’ thuộc lực lượng vũ trang Ukraina đã đóng quân ở vùng Donets từ hôm thứ Tư. Lúc này, một đơn vị khác cũng đang được chuẩn bị ở Kharkov” – nguồn tin này nói. 

Nguồn tin trên nhấn mạnh rằng khi chiếc máy bay MH17 bay ở độ cao trên 10km thì chỉ có các vũ khí lớp C-300 hoặc ‘Buk’ mới có thể nhắm trúng.  

Trong khi chưa xác minh được bên nào đã bắn hạ máy bay MH17, chính quyền Ukraina và nhiều ý kiến đang cho rằng lực lượng ly khai đông Ukraina đã khai hỏa. 

{keywords}
Hiện trường vụ rơi máy bay Malaysia MH17. Ảnh: AP

Phương Tây và Mỹ cáo buộc Nga đã cung cấp các vũ khí hạng nặng cho quân ly khai, nhưng không rõ có cung cấp Buk cho họ không. Lực lượng ly khai ở Donetsk tuyên bố họ không sở hữu vũ khí này, và cũng không có khả năng vận hành. 

Tuy nhiên, thời điểm ngay trước khi MH17 rơi, quân ly khai đã bắn hạ nhiều máy bay của lực lượng chính phủ, trong đó có một chiếc An-24 rơi gần khu vực xác máy bay MH17. 

Business Insider cho rằng trên thực tế, lực lượng ly khai vẫn có thể vận hành hệ thống Buk vì hệ thống này dùng tên lửa dẫn đường qua radar, nên có thể được phóng mà không gặp nhiều khó khăn.  

Cũng có ý kiến cho rằng vì quân ly khai tưởng MH17 là máy bay của chính phủ Kiev, nên họ đã có thể đã nhắm bắn.  

Nếu quân ly khai có hệ thống nhắm bắn radar của Buk, nhưng họ không có mạng lưới radar có phạm vi rộng, và quan trọng hơn cả là người vận hành có đủ kỹ năng phân biệt một máy bay dân sự với máy bay của quân đội chính phủ. 

Ngoài ra, khả năng tên lửa được phóng đi từ bên trong lãnh thổ Nga cũng không bị loại trừ.  

Lê Thu