- Sự kiện máy bay MH17 bị bắn rơi là một cú sốc tác động lớn tới cục diện cuộc khủng hoảng ở đông Ukraina. Tất cả các bên liên quan đều tìm mọi cách trưng ra những thứ mà họ gọi là ‘sự thật’ – nhưng chung quy đều nhằm đổ tất cả lỗi lên đối thủ, và nói mình vô can. 

TIN BÀI LIÊN QUAN

Tuy nhiên, cho tới lúc này, việc máy bay MH17 chuyển hướng và hạ độ cao bất ngờ khi đi qua đông Ukraina, vệ tinh của Mỹ tiết lộ những gì và có phải Nga đã cung cấp Buk cho quân ly khai… lại là những sự thật mà không ai muốn công bố.  

{keywords}
Một người thắp nến tưởng niệm máy bay MH17 gặp nạn. Ảnh: AP

Trùng hợp ngẫu nhiên? 

Phải chăng máy bay Malaysia đổi hướng và hạ độ cao khi qua không phận đông Ukraina chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay đằng sau đó là một tính toán có chủ ý nào khác. 

Eurocontrol nói rằng, Ukraina đã đóng cửa không phận đường bay ở độ cao 32.000 feet (9.753m). Nhưng vào ngày 17/7/2014, khi qua không phận Ukraina, không lưu nước này đã yêu cầu chuyến bay MH17 của Malaysia hạ độ cao – từ 10.668m xuống còn 10.060m. 

Eurocontrol xác nhận thông tin về việc MH17 đã bay ở độ cao 10.060m (33.000 feet) trước khi biến mất. Còn hàng không Malaysia hôm 20/7 khẳng định rằng yêu cầu hạ độ cao này không xuất phát từ nguyên nhân thời tiết. 

Một vấn đề khác cũng được đặt ra là đường bay của MH17, tại sao chuyến bay này lại đi qua khu vực đang có chiến sự. Hàng không Malaysia trả lời rằng cơ quan quản lý đường bay của các máy bay dân sự trên không phận châu Âu là Eurocontrol đã phê duyệt kế hoạch bay của MH17.  

Trên thực tế, MH17 đã đổi hướng bay chứ không bay theo tuyến thông thường mà Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) hay Eurocontrol xác nhận an toàn. Đáng ra, máy bay bay từ tuyến Đông Nam đi qua biển Azov, nhưng MH17 lại đi vào vùng chiến sự ở Donetsk.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga trình bằng chứng cho thấy không lâu trước thời điểm MH17 bị bắn rơi, một máy bay chiến đấu Su-25 của Ukraina đã bay cách MH17 khoảng 3-5km trên cùng hành lang dân sự và cùng độ cao. Máy bay Su-25 này được trang bị tên lửa không đối không R-60, có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 12km. 

Sự xuất hiện của một máy bay chiến đấu ở cự ly như vậy không thể phớt lờ vì hành động này bị coi là vi phạm hàng rào an toàn trên không đối với chuyến bay thương mại.  

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của Su-25 còn cho thấy một khả năng nữa là MH17 có thể bị bắn hạ từ tên lửa R-60, chứ không chỉ là giả thiết được lưu truyền rộng rãi hiện nay – cho rằng hệ thống tên lửa đất đối không Buk là ‘nghi phạm chính’ trong thảm kịch này. 

Tuy nhiên, mọi kết luận sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc tìm kiếm mảnh vỡ của tên lửa tại hiện trường, cũng như dạng vết thủng mà tên lửa gây ra ở thân máy bay. Đầu đạn tên lửa Buk sẽ phát nổ khi cách máy bay không xa, với cân nặng 70kg, đầu đạn này sẽ gây nên nhiều vết thủng nhỏ trong bán kính rộng trên thân máy bay.  

Trong khi đó, đầu đạn của R-60 chỉ nặng 3kg, và hoạt động trên nguyên lý tầm nhiệt, nên phạm vi phá hủy không lớn, chủ yếu tập trung vào khoang động cơ. Câu trả lời này sẽ được công bố sau khi khám nghiệm hiện trường và giải mã hộp đen máy bay. Thách thức lớn nhất vào lúc này là hiện trường rơi máy bay đã bị xáo trộn, và nhiều khả năng đầu đạn tên lửa (nếu tìm thấy) có thể đã bị di rời. 

Sự im lặng của vệ tinh Mỹ ở vùng ‘nhập nhoạng’ Nga - Ukraina 

Ngay sau khi máy bay MH17 bị bắn hạ, tình báo Mỹ nói rằng, họ có thông tin tình báo cho thấy thủ phạm chính là một tên lửa đất đối không. Nhưng một thông tin khác mà ít người chú ý là, cũng chính thời điểm MH17 rơi, một vệ tinh của Mỹ đã bay qua khu vực này.

Nhà báo Robert Parry từng làm việc cho AP, và được giải thưởng báo chí Pulitzer, đặt nghi vấn: Vậy, vệ tinh của Mỹ đã nhìn thấy gì? Tình báo Mỹ đã tốn nửa năm nay để tập trung vào vùng đông Ukraina, và khó có lý nào họ không thể phát hiện ra một hệ thống tên lửa đất đối không ‘hầm hố’ và nặng nề như Buk loanh quanh đâu đó tại khu vực này.  

Hơn nữa, MH17 bị bắn hạ vào giữa ban ngày, chứ không phải ban đêm. Nhưng, bản chất của khu vực này là một vùng chiến sự, mọi thông tin đều ở tình trạng ‘nhá nhem’, và bị các bên liên quan ‘chỉnh sửa’ sao cho mọi tội lỗi đều là do đối thủ gây nên, còn mình thì ‘vô can’.  

Chính quyền Mỹ quả quyết rằng chính Nga đã cung cấp hệ thống này cho quân ly khai, nhưng lại không công bố bằng chứng cụ thể và thuyết phục – chẳng hạn như từ hình ảnh vệ tinh này, mà thay vào đó lại dẫn hầu hết bằng chứng từ ‘mạng xã hội’ không thể kiểm chứng. 

Cùng với đó, mọi quy kết của Mỹ chủ yếu dồn vào việc, hệ thống này do Nga sản xuất, do đó Nga có thể đã cung cấp vũ khí này cho quân ly khai mà quên đi một thực tế là chính quân đội Ukraina cũng sở hữu loại vũ khí đó. 

Tất nhiên, việc Nga cung cấp hệ thống này cho quân ly khai hoàn toàn có thể là thật, dù chưa có chứng cớ xác thực hoặc nguồn tin độc lập kiểm chứng. Moscow bác mọi cáo buộc cung cấp vũ khí cho quân ly khai nhưng lại không thể chứng minh điều ngược lại.

Như phóng viên AP đưa tin, buổi trưa ngày 17/7 – vài giờ trước khi MH17 bị bắn hạ, họ chứng kiến hệ thống Buk xuất hiện tại thị trấn Snizhne cách hiện trường máy bay rơi sau đó không xa.  

Lãnh đạo lực lượng chống khủng bố Ukraina Vitaly Nayda nói rằng thông tin tình báo của họ cho thấy lực lượng ly khai sở hữu Buk, và một tay súng ly khai nào đó có biệt hiệu Sapper có thể đã bắn hạ máy bay MH17. Nayda nói rằng, sau khi ‘gây án’, Buk được mang trả lại về Nga để xóa dấu vết. 

Ngay cả thông tin mới đây nhất mà Reuters công bố, rằng một lãnh đạo của phe ly khai ở đông Ukraina thừa nhận họ sở hữu loại vũ khí Buk và có thể đã bắn hạ MH17 vì nhầm lẫn với máy bay quân sự của Ukraina, và rằng Kiev đã gài bẫy họ khi ngụy tạo một cuộc không kích.

Cũng ngay sau đó, chính lãnh đạo ly khai này lại lên tiếng phủ nhận thông tin trên, nói rằng Reuters đã đưa không đúng sự thật.  

Trước những thông tin khó có căn cứ để kiểm chứng này, rõ ràng, những bức ảnh từ vệ tinh của Mỹ vào thời điểm máy bay gặp nạn có thể nói lên rất nhiều điều, cũng như làm sáng tỏ các nghi vấn hiện nay.

Lê Thu