Tờ New Straits Times của Malaysia đưa tin Ukraina bác bỏ thông tin cho rằng Lực lượng An ninh Quốc gia của họ đã giữ các băng ghi âm trao đổi liên lạc với mặt đất giữa các kiểm soát không lưu của họ và máy bay MH17 của Malaysia trước khi máy bay bị bắn rơi.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Nga đưa ra bằng chứng cho thấy máy bay chiến đấu SU-25 của Ukraina đã bay cùng độ cao, cách MH17 khoảng 5km trước khi MH17 bị bắn rơi. Ảnh: RT |
Đại sứ Ukraina tại Malaysia cho biết các thông tin cho rằng an ninh Ukraina (SBU) đã giữ các băng ghi âm này chưa được kiểm chứng độc lập, và Kiev cũng không xác nhận thông tin này.
“Hiện chưa có bằng chứng hoặc chứng cứ nào cho thấy các băng này đang trong tay SBU. Tôi chỉ đọc tin này trên báo” – ông Đại sứ nói.
Hầu như ngay sau khi máy bay bị bắn hạ, một số hãng thông tấn đăng tải thông tin rằng SBU của Ukraina đã giữ các băng ghi âm trao đổi giữa không lưu Ukraina và phi hành đoàn của MH17.
Câu hỏi phía Malaysia đặt ra là, nếu SBU không giữ các băng ghi âm này, thì các đoạn trao đổi đó đã biến đi đâu?
Đại sứ của Ukraina cũng cho biết thêm là họ không có thông tin về việc đoạn băng đã được trao cho nhóm điều tra hay là các nhóm chuyên gia quốc tế.
Các chuyên gia hàng không nói rằng các băng ghi âm này là những lớp bằng chứng then chốt ráp nối các sự kiện dẫn tới việc máy bay trúng tên lửa, khiến 298 người thiệt mạng.
Vào ngày MH17 bị bắn hạ, khi qua không phận Ukraina, không lưu nước này đã yêu cầu chuyến bay MH17 của Malaysia hạ độ cao – từ 10.668m xuống còn 10.060m.
Eurocontrol xác nhận thông tin về việc MH17 đã bay ở độ cao 10.060m (33.000 feet) trước khi biến mất. Còn hàng không Malaysia hôm 20/7 khẳng định rằng yêu cầu hạ độ cao này không xuất phát từ nguyên nhân thời tiết.
Bên cạnh đó, MH17 đã đổi hướng bay chứ không bay theo tuyến thông thường mà Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) hay Eurocontrol xác nhận an toàn. Đáng ra, máy bay bay từ tuyến Đông Nam đi qua biển Azov, nhưng MH17 lại đi vào vùng chiến sự ở Donetsk.
Trước đó, báo chí Malaysia đưa tin về việc các nhà phân tích tình báo Mỹ kết luận rằng máy bay MH17 có thể đã bị trúng tên lửa không đối không, phóng đi từ một máy bay quân sự và trên thân máy bay có các dấu vết từ đạn súng máy nòng 30mm.
Bộ Quốc phòng Nga từng đưa ra bằng chứng cho thấy không lâu trước thời điểm MH17 bị bắn rơi, một máy bay chiến đấu Su-25 của Ukraina đã bay cách MH17 khoảng 3-5km trên cùng hành lang dân sự và cùng độ cao. Máy bay Su-25 này được trang bị tên lửa không đối không R-60, có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 12km.
Sự xuất hiện của một máy bay chiến đấu ở cự ly như vậy bị coi là vi phạm hàng rào an toàn trên không đối với chuyến bay thương mại.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của Su-25 còn cho thấy một khả năng nữa là MH17 có thể bị bắn hạ từ tên lửa R-60, chứ không chỉ là giả thiết được lưu truyền rộng rãi hiện nay – cho rằng hệ thống tên lửa đất đối không Buk là ‘nghi phạm chính’ trong thảm kịch này.
Lê Thu