Các nhà kinh tế lo ngại sự hồi phục của khối đồng tiền chung Euro (Eurozone) có thể sẽ chệch hướng sau khi chỉ số ZEW của Đức lao xuống mức thấp nhất trong 20 tháng qua.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Xung đột giữa châu Âu với Nga đã ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn nhất khu vực này, với niềm tin kinh tế ở Đức lao dốc bất ngờ, tiếp thêm lo ngại rằng sức hồi phục yếu ớt của Eurozone có thể sẽ bị dập tắt.

{keywords}
Thủ tướng Đức Angela Merkel miễn cưỡng cấm vận Nga. (Ảnh: Reuters)

Báo The Guardian của Anh đưa tin, một cuộc khảo sát kỹ lưỡng về tâm trạng của nhà đầu tư cho thấy thù địch giữa phương Tây và Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến khủng hoảng ở Ukraina đang thực sự làm tổn thương nền kinh tế Đức. Chỉ số ZEW về niềm tin kinh tế ở nước này giảm mạnh hơn nhiều so với dự đoán, xuống mức thấp nhất 8,6 điểm trong 20 tháng qua, từ con số 27,1 điểm hồi tháng 7.

Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters từng dự đoán một sự tụt giảm ít hơn, chỉ 18,2%.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, số liệu trên là một dấu hiệu đáng lo ngại về tình trạng suy giảm lòng tin ở Đức, quốc gia đã giúp đưa cả khối Eurozone thoát đáy khủng hoảng. 

Việc áp đặt các đòn trừng phạt "ăn miếng trả miếng" giữa Nga và EU - với Brussels cấm xuất khẩu các mặt hàng như trang thiết bị về dầu lửa và khí đốt sang Nga còn Kremlin trả đũa bằng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ châu Âu - đã thực sự tác động đến niềm tin của nhà đầu tư.

"Sợ hãi đã quay trở lại", The Guardian dẫn lời bình của Carsten Brzeski, một nhà kinh tế tại ING. "ZEW của Đức vừa phát thêm tín hiệu cảnh báo, cho thấy những người tham gia thị trường tài chính đang ngày càng bi quan". 

Mức độ Đức bị ảnh hưởng sẽ được cụ thể hóa vào ngày 14/8, khi ước tính chính thức đầu tiên về GDP quý 2 dự kiến sẽ cho thấy mức tăng trưởng 0%, sau mức tăng 0,8% trong quý 1. Ông Brzeski cho rằng, nguy hiểm cho Đức là quý 2 yếu kém có thể biến thành một điều gì đó tồi tệ hơn.

"ZEW của hôm nay phát đi một tín hiệu lo ngại rằng, năng lực tăng trưởng trong quý 2 có thể bất ngờ biến thành một xu hướng không mong đợi. Đến nay, hậu quả của khủng hoảng Ukraina chỉ giới hạn ở một sự bất ổn chung và sự tụt giảm mạnh trong xuất khẩu của Đức sang Nga. Rõ ràng, khủng hoảng leo thang có nguy cơ làm tổn thương nền kinh tế thật sự".

Chỉ số ZEW - vốn là thước đo kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với nền kinh tế trong 6 tháng - đã giảm trong 8 tháng liên tiếp trong bối cảnh tăng trưởng của cả khối Eurozone rất yếu.

Tăng trưởng trong khu vực đồng Euro dự kiến sẽ trượt xuống 0,1% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, từ mức 0,2% trong 3 tháng đầu của năm. Nhiều người lo ngại, căng thẳng sẽ tăng cao tới mức chặn đứng sự phục hồi kinh tế vốn đã mong manh.

Đức là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi lập trường của phương Tây về Nga, bởi nước này là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong EU.

Các tác giả của báo cáo ZEW chỉ ra rằng, sự tụt giảm niềm tin kinh tế là kết quả của những căng thẳng địa chính trị vốn đã bắt đầu đè nặng lên tăng trưởng của Đức. 

Thanh Hảo