TIN BÀI LIÊN QUAN:
Grigoriyevna rời khỏi Luhansk đi lánh nạn từ đầu mùa hè nhưng chiến sự vẫn theo chân người phụ nữ 79 tuổi này tới thành phố Popasna, cách đó gần 60km về phía tây.
Một người di cư từ miền đông Ukraina ngồi ở một trại tị nạn gần Donetsk. |
"Tôi sẽ làm gì trong mùa đông này?", bà tự hỏi, cố nén những giọt nước mắt.
Theo Global Post, câu chuyện của Grigoriyevna hé lộ những khó khăn mà hàng nghìn người Ukraina đang phải đối mặt khi họ rời khỏi bản quán ở đông Ukraina, nhất là khi chính quyền Kiev hầu như chưa chuẩn bị gì trước mức độ trầm trọng của vấn đề.
Cơ quan Người tị nạn UNHCR của Liên Hợp Quốc ước tính, hơn 155.000 người đã buộc phải di cư bên trong đất nước Ukraina kể từ khi chiến tranh bắt đầu hồi tháng 4.
Trong khi các nhà hoạt động dân sự đang cố gắng gom góp tiền để cung cấp sự hỗ trợ hạn hẹp về hậu cần, pháp lý và thuốc men cho dân chúng lánh nạn, giới quan sát cho rằng giới chức Kiev cần phải tăng cường trách nhiệm giúp đỡ số di dân vốn đang ngy một đông.
"Dòng di cư từ Donetsk và Luhansk vẫn tiếp tục, và tuy đã áp dụng một số biện pháp trong thời gian gần đây để giúp đỡ người di dời, chính phủ Ukraina vẫn cần phải tăng cường các nỗ lực cung cấp cho họ sự tiếp cận nhà ở và các dịch vụ xã hội ổn định", Tanya Lokshina, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Tổ chức Giám sát Nhân quyền, kêu gọi.
Một trại tị nạn ở Donetsk. |
Hiện nay, chính quyền Kiev đang phải đối mặt với một loạt "cơn ác mộng hậu cần" trong việc giúp đỡ người di cư, từ cung cấp chỗ ở, phục hồi cơ sở hạ tầng đến đảm bảo phúc lợi kinh tế và xã hội... Một số người không được thanh toán lương hoặc an sinh xã hội đã nhiều tháng nay, bởi vì hệ thống chính quyền đã đổ vỡ khi họ mất kiểm soát các vùng lãnh thổ.
Grigoriyevna cho biết bà không nhận được lương hưu kể từ khi giao tranh tăng cường. Và việc không có một hệ thống đăng ký cụ thể nào cho những người di dời đang khiến cho tình trạng này thêm phức tạp.
Nhà cửa đổ nát vì bom đạn ở Donetsk. |
Một số nhóm như Giám sát Nhân quyền và Tổ chức An ninh Hợp tác châu Âu (OSCE) hiện đang lần theo cảnh ngộ của những người Ukraina di cư.
Theo OSCE, dân chúng Stanytsia-Luhanska kể rằng họ đã mất điện và nước kể từ ngày 2/8 và không thấy mặt hầu hết cảnh sát cũng như các quan chức địa phương đâu.
Sự chú ý hiện cũng đang dồn vào thành phố Luhansk - một chiến địa giữa phe li khai và quân chính phủ và là nơi hứng chịu nhiều thiệt hại cả về mạng người lẫn cơ sở hạ tầng trong thời gian qua.
Thanh Hảo