Trong bối cảnh mối quan hệ Đông - Tây đang căng thẳng vì vấn đề Ukraina, các tổ chức Hồi giáo cực đoan như IS bất ngờ trỗi dậy một cách mạnh mẽ, thể hiện bằng một loạt hành động vô cùng tàn ác.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Thời gian gần đây, dư luận quốc tế liên tiếp sốc và phẫn nộ trước vụ IS chặt đầu các nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff rồi trưng video lên mạng, kèm theo lời cảnh báo nhằm vào Mỹ và phương Tây. Tổ chức cực đoan này còn "khoe" cảnh họ thảm sát tàn bạo hàng trăm binh sĩ Syria và các chiến binh Peshmerga người Kurd giữa sa mạc.

{keywords}
IS thảm sát tàn bạo những người họ bắt làm tù binh.

IS mở rộng và lớn mạnh lên nhờ cuộc nội chiến ở Syria. Từ đây, nhóm tràn sang miền bắc Iraq và biến khu vực rộng lớn nơi đây thành "những cánh đồng chết ngập máu". Theo Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), IS đã biến bắc Iraq thành những "cánh đồng ngập máu" trong nỗ lực xóa sổ các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc bằng hình thức thảm sát hàng loạt.

Donatella Rovera, Cố vấn cấp cao về đối phó khủng hoảng của AI ở Iraq mô tả: "IS đã tiến hành những tội ác hèn hạ và biến khu vực nông thôn Sinjar thành những cánh đồng chết ngập máu trong chiến dịch tàn bạo của chúng nhằm xóa sạch mọi dấu vết phi Ảrập và phi Hồi giáo Sunni".

Chính các quan chức cấp cao ở Washington cũng phải thừa nhận rằng sự tinh vi, giàu có và sức mạnh quân sự của các chiến binh IS khiến tổ chức này trở thành mối đe dọa lớn của Mỹ, thậm chí còn hơn cả mạng lưới khủng bố khét tiếng al-Qaeda. Hồi cuối tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tuyên bố IS là một mối đe dọa hiển hiện với tất cả các lợi ích mà Mỹ đang có, dù ở Iraq hay bất kỳ nơi nào khác.

"IS vượt tầm một nhóm khủng bố. Chúng kết hợp nhuần nhuyễn hệ tư tưởng với sức mạnh quân sự. IS lại có tài chính dồi dào...vượt quá những gì Mỹ từng biết", ông Hagel nói. 

{keywords}
Phiến quân IS khống chế các tù binh. 

Tin tức về sự tàn bạo của IS cũng đã buộc Anh phải nâng báo động khủng bố lên mức "nghiêm trọng". Vấn đề của Anh hiện nay là tình trạng ngày càng nhiều công dân nước này tới Trung Đông tham gia "thánh chiến". Cách đây vài ngày, Thủ tướng David Cameron đã lên tiếng tuyên bố sẽ dẹp bỏ Hồi giáo cực đoan "cả ở trong và ngoài nước".

"Đây không phải là cuộc xung đột nào đó ở cách xa vài nghìn dặm mà chúng ta hy vọng có thể làm ngơ", lãnh đạo Đảng Bảo thủ nhấn mạnh. "Tham vọng tạo ra một nhà nước Hồi giáo ở giữa lòng Iraq và Syria là mối đe dọa đối với an ninh của chính chúng ta ngay tại đây, ở nước Anh.... Các cuộc tấn công của IS nhằm vào châu Âu thực sự đã diễn ra rồi".

Rõ ràng, IS đang gióng lên hồi chuông báo động về Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới. Có lẽ, đó là lý do mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thẳng thừng từ chối hỗ trợ quân sự cho Ukraina nhưng lại nhanh chóng gửi vũ khí cho người Kurd ở Iraq để giúp họ chống IS.

Còn đối với Nga, những căng thẳng liên quan đến Ukraina khiến nước này đang đổ dồn lo lắng vào các hành động của NATO. Nhưng theo nhận định của tờ Thời báo Moscow, chính IS mới là mối đe dọa thực sự.

"Với Nga, IS nguy hiểm hơn NATO rất nhiều bởi trong tương lai gần, NATO chỉ giới hạn hoạt động ở việc hỗ trợ Ba Lan và các nước Baltic củng cố phòng thủ. IS đáng lo hơn hẳn EU bởi sự mở cửa của EU vốn có lợi lớn cho các công ty và dân thường Nga. Nếu Tổng thống Vladimir Putin nghĩ NATO và EU là nguy cơ lớn nhất, là kẻ thù, là đối thủ thì ông chưa nhìn thấu đáo" - tờ báo viết.

Và thực tế đã chứng minh nhận định đó. Ngày 3/9 vừa qua, trong đoạn video phát trên đài Al-Arabiya, IS đe lật đổ Tổng thống Putin và thề "giải phóng" Chechnya cùng toàn bộ vùng Caucasus bất ổn. Lý do mà IS đưa ra cho lời cảnh báo này là ông Putin luôn ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. 

Thanh Hảo