Các hoạt động kiểm phiếu ở Scotland đang được tiến hành và nếu một quyết định Có với Độc lập được các cử tri đưa ra thì điều đó tác động như thế nào đến tương lai của Vương quốc Anh?

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Nếu câu trả lời là Không, chắc chắn các nhà lãnh đạo Anh sẽ thở phào nhẹ nhõm. Thủ tướng David Cameron sẽ không bị buộc phải từ chức.

Tuy nhiên, hậu quả của nó sẽ rất lớn, bởi vì Westminster đã cam kết một sự chuyển giao quyền lực lớn hơn, theo hãng tin BBC. Các lãnh đạo của ba đảng lớn nhất nước Anh cùng hứa rằng người Scotland sẽ có thêm nhiều quyền hạn hơn về thuế, phúc lợi và chi tiêu.

{keywords}
  Scotland đã tiến hành trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Vương quốc Anh để trở thành nước độc lập. (Ảnh: Reuters)

Thế nhưng, nếu cử tri Scotland nói Có, Vương quốc Anh sẽ mất 8% dân số, 1/3 diện tích đất, 10% doanh thu thuế, chưa kể vô số những thiệt hại trong các lĩnh vực khác.

Không những vậy, Vương quốc Anh có thể còn mất luôn cả Thủ tướng của mình. David Cameron sẽ đi vào lịch sử như một người đánh mất Liên hợp. Nhiều nghị sĩ Bảo thủ chắc chắn sẽ không tha thứ cho ông.

Cameron từng tuyên bố sẽ không từ chức nhưng một khi lá phiếu được bỏ vào thùng thì mọi thứ có thể thay đổi.

Còn có một số khả năng khác. Một là Thủ tướng Cameron có thể từ chức ngay lập tức hoặc thông báo từ chức vào thời điểm nào đó trước cuộc bầu cử tiếp theo. Điều này sẽ cho phép ông tránh được việc tạo ra một khoảng trống chính trị và bắt đầu tiến trình đàm phán về việc Scotland "ly hôn", trong khi vẫn tạo điều kiện về thời gian cho người kế nhiệm trước kỳ tổng tuyển cử vào tháng 5 tới.

Nhưng nếu Cameron không từ chức, các nghị sĩ Đảng Bảo thủ có thể yêu cầu một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm về khả năng lãnh đạo của ông. Cameron có thể sẽ không thua về số phiếu nhưng ông có thể thất bại về mặt chính trị và bị buộc phải ra đi.

{keywords}
Bỏ phiếu Có cho Độc lập dễ hơn nhiều so với thực hiện điều này. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng không chỉ là lãnh đạo duy nhất ở Anh phải chịu sức ép. Một số nghị sĩ Công đảng đã bắt đầu bàn tán về những gì họ xem là màn thể hiện năng lực yếu kém của lãnh đạo đảng mình - Ed Miliband - trong thời gian vận động trưng cầu dân ý ở Scotland.

Một số người đặt câu hỏi rằng Miliband và Công đảng sẽ tiếp tục như thế nào ở Westminster nếu không còn 41 nghị sĩ đảng này từ Scotland. Liệu họ có thể giành được đa số lần nữa? Và Công đảng sẽ phải điều chỉnh thế nào để thuyết phục được cử tri Anh?

Có rất nhiều câu hỏi khác trong thời gian trước mắt. Liệu chính phủ Anh sẽ tiếp tục đại diện cho Scotland và người dân nước này trước khi cuộc "ly hôn" diễn ra? Liệu chính phủ Anh có tham vấn chính quyền Scotland về các quyết định dài hạn ảnh hưởng đến quốc gia này hay không? Và liệu có quyền hạn nào sẽ được chuyển từ Anh sang Scotland trước khi độc lập để quá trình chia tách diễn ra êm thấm hơn?

Trong tương lai xa hơn cũng có không ít câu hỏi được đặt ra về bản chất hiến pháp cho phần còn lại của Vương quốc Anh. Mối quan hệ giữa England, Wales và Bắc Ai Len sẽ thay đổi như thế nào? Không còn Scotland, liệu Wales và Bắc Ai Len có cần quyền hạn lớn hơn để đối trọng với ảnh hưởng của England?

Tất cả những vấn đề kể trên cho thấy mức độ bất ổn về chính trị và hiến pháp mà một cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland với kết quả "Có" sẽ tạo ra. Ở một góc độ nào đó, bỏ phiếu ủng hộ Độc lập là điều dễ dàng nhưng thực hiện điều này là việc khó khăn hơn nhiều.

Thanh Hảo