Hiện tại đang là thời điểm quan trọng cho chiến dịch của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm "làm suy yếu và tiêu diệt" tổ chức tự nhận là Nhà nước Hồi giáo (IS).

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Hãng tin BBC cho rằng, Mỹ đã quyết định mở rộng chiến dịch không kích từ Iraq sang Syria và điều này cho thấy, một nhu cầu cấp bách phải triệt hạ IS ở cả hai quốc gia. Và đối với nhiều người Mỹ, thực tế nhiều nước Ảrập tham gia sứ mệnh cho thấy lần này không giống như cuộc chiến gần đây nhất của Mỹ ở Iraq. 

{keywords}

Mỹ và liên quân bắt đầu oanh kích IS ở Syria sớm ngày 23/9. (Ảnh: EPA)

Mỹ và các đồng minh đã thu thập thông tin tình báo về các mục tiêu IS và phần đầu của chiến dịch không kích được thực hiện bởi nhiều loại máy bay cùng các loại tên lửa hành trình phóng đi từ mặt biển. Mục tiêu không phải thực hiện một cú knock-out mà là triệt tiêu năng lực của IS bằng cách tấn công vào ban lãnh đạo và vành đai hậu cần của tổ chức này. 

Đến nay, chiến dịch ở cả Iraq và Syria đã diễn ra như hầu hết các nhà phân tích và cả Nhà Trắng dự đoán. Câu hỏi không quá nghiêng về điều gì tiếp theo, mà thực sự là: Liệu các yếu tố khác trong chiến lược của Mỹ có thể được triển khai một cách hiệu quả đồng đều hay không? Liệu các điều kiện khiến IS thất bại có thể được thiết lập trên thực địa? Và IS có thể đáp trả tới mức nào?

Trên thực địa

Mỹ và các đồng minh có thể hành động quá mức cần thiết, nhưng họ đã lao theo một tiến trình không thể dự đoán trước và chẳng có gì chắc chắn. Điều này là bởi, yếu tố quân sự chỉ là một phần trong một chiến lược rộng lớn hơn mà các lực lượng phải phối hợp. 

Trong trường hợp Iraq, Không lực Mỹ dường như đã chặn được đà tiến của IS, đặc biệt là tới các khu vực do người Kurd kiểm soát ở phía bắc. Nhưng hoạt động trên không của Mỹ vẫn chưa đẩy được IS ra khỏi đất nước Vùng Vịnh.

Điều kể trên phụ thuộc vào 2 yếu tố. 

Thứ nhất là sự có mặt tại chỗ của lực lượng được đào tạo bài bản và có động cơ chiến đấu trực tiếp với IS để giành lại lãnh thổ. Đội quân Peshmerga của người Kurd đang được trang bị và huấn luyện. Mỹ cũng đang cố giành lại tín nhiệm đã mất của một bộ phận trong quân đội Iraq – vốn sụp đổ ngay khi đối diện với IS. Nhưng sẽ mất thời gian. 

Yếu tố thứ hai là về chính trị. Đó là lý do Mỹ từ chối giúp đỡ Iraq cho đến khi nước này có một chính phủ đa đại diện hơn nữa.

Ở khía cạnh nào đó thì đây là điểm mấu chốt. Một tổ chức đa năng như IS có thể bị đánh bại về mặt quân sự, nhưng vấn đề là nó có thể biến đổi thành một hiện tượng khác và rồi trở lại sau đó.

Nhiều điều kiện cần phải được tạo ra để khiến các bộ tộc Sunni quay lưng lại với IS, vì tính tàn bạo và tầm nhìn hạn chế của tổ chức này – nói cách khác là các yếu tố quân sự phải được sử dụng để giúp đánh bại IS từ bên trong. Cuộc chiến chính trị cũng quan trọng không kém so với cuộc chiến quân sự.

Và đây là điểm mà chính sách của Mỹ và liên quân bắt đầu phải tính đến lý lẽ mềm dẻo hơn. Ngay cả nếu cuộc chiến quân sự - chính trị kết hợp có thể giành chiến thắng ở Iraq – nơi có ít nhất một chính phủ được công nhận – thì áp dụng các biện pháp tương tự ở Syria lại là chuyện hoàn toàn khác. 

Sẽ phải mất nhiều tháng để huấn luyện tốt cho các lực lượng địa phương nằm trong phe đối lập ôn hòa và vấn đề là liệu họ có thể mạnh ngang ngửa với IS hay không. Bên cạnh đó, chính phủ Syria lại không được phương Tây chấp nhận, thậm chí tồi tệ hơn nữa là chưa hề có một kế hoạch chính trị thực sự nào cho tương lai của đất nước này.  

Cuộc chiến rộng lớn hơn

Bối cảnh cũng thay đổi. IS có một vai trò trong cuộc chiến. Đến nay, tổ chức này tự chứng tỏ có thể thích nghi và đủ sức theo đuổi tư duy chiến lược của mình. Vậy IS sẽ phản ứng thế nào với chiến dịch do Mỹ chỉ huy?

Rõ ràng IS có thể làm rất nhiều điều. Bằng cách chuyển chủ trương tấn công người Kurd từ Iraq sang Syria, tổ chức này chứng tỏ có thể gây ra hỗn loạn tới mức nào, khi một dòng tị nạn gồm hàng trăm nghìn người hối hả tràn qua biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ. 

IS còn kêu gọi một dạng liên minh Hồi giáo cực đoan tấn công người phương Tây cả ở trong và ngoài thành trì của chúng. Việc bắt cóc một công dân Pháp ở Algeria dường như là thành quả đầu tiên của chính sách đó. Vì vậy, IS có nhiều lựa chọn trong một cuộc chiến mà sẽ khiến cho nhiệm vụ của Mỹ và đồng minh trở nên khó khăn hơn nhiều.

Nhưng trên tất cả, như nhiều nhà phân tích lưu ý, cuộc chiến này là một phần của một cuộc nội chiến rộng lớn hơn trong lòng thế giới Hồi giáo và Ảrập, mà ở một mức độ nào đó là các liên minh chéo giữa các nước Sunni chống các nước Shiite; Iran chống lại các quốc gia Ảrập; và những ai tìm cách giữ nguyên hiện trạng đấu với những người muốn thay đổi. Và dù kết quả thế nào thì trong tất cả các cuộc nội chiến, không bên nào thực sự chiến thắng. 

Thanh Hảo