Theo Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ, tính đến thời điểm này Washington đã phát động hơn 220 cuộc không kích vào các mục tiêu của IS tại Syria và Iraq.
Đợt oanh tạc mới tại Syria được Mỹ tiến hành với sự giúp đỡ của 5 nước Ảrập. Để triệt hạ nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), Mỹ và các nước đã huy động đủ loại vũ khí khủng từ chiến đấu cơ tàng hình, máy bay ném bom, tên lửa Tomahawk tới máy bay không người lái hiện đại nhất.
Tuy nhiên, bất chấp các đợt oanh tạc liên tiếp của Mỹ, IS vẫn tiếp tục tiến quân. IS hiện được cho là có lợi thế với khả năng điều quân và vũ khí giữa Syria và Iraq. Theo đó, các chiến binh từ Syria tràn vào Iraq giúp lực lượng này kiểm soát hầu hết khu vực phía bắc Iraq vào tháng 6, và vũ khí nhóm này thu giữ được lại gửi về Syria, để giúp các chiến binh đang chiến đấu ở đây.
BBC đưa tin, giới chức Mỹ tin rằng, IS hiện có tới 31.000 chiến binh ở cả Iraq và Syria. Chuyên gia người Iraq Hisham al-Hashimi nói, khoảng 30% số quân của lực lượng này chiến đấu vì lý tưởng, trong khi phần còn lại gia nhập lực lượng vì sợ hoặc bị cưỡng ép.
Một lượng lớn chiến binh IS không phải là người Iraq hay Syria. Nhóm Soufan gần đây ước tính, hơn 12.000 công dân ngoại quốc từ ít nhất 80 quốc gia, gồm cả 2.500 người từ các nước phương Tây đã đi tới Syria, để gia nhập đội quân này trong vòng 3 năm qua.
Các chuyên gia nhận định, IS tuyển mộ được một lượng lớn người ngoại quốc gia nhập nhóm qua mạng, thông qua những người cảm tình với đạo Hồi, thay vì tự họ gia nhập tổ chức cực đoan này.
Các chiến binh IS có thể tiếp cận và sử dụng một lượng lớn vũ khí nhỏ và vũ khí hạng năng, gồm cả xe tải có gắn súng máy, bệ phóng rocket, súng chống máy bay và hệ thống tên lửa không đối đất.
IS cũng thu giữ xe tăng và xe bọc thép từ quân đội Syria và Iraq. Nhóm này được tin là có nguồn cung cấp vũ khí rất linh hoạt, vốn đảm bảo nguồn cung đạn dược và vũ khí loại nhỏ cho các chiến binh. Hỏa lực khá mạnh đã giúp nhóm này chiếm được các vị trí của người Kurd ở bắc Iraq.
Theo ước tính chưa đầy đủ, IS có 20 xe tăng, hàng trăm xe tải gắn súng máy, một vài trực thăng Black Hawk, 15 tàu tuần tra trên sông.
Để đương đầu với IS, Mỹ đã huy động một lượng vũ khí khủng cùng với sự trợ giúp của 5 nước Ảrập. Trong chiến dịch không kích lần này, ngoài các máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, lần đầu tiên Mỹ triển khai chiến đấu cơ tàng hình F-22.
Ngoài ra, Mỹ cũng sử dụng nhiều tên lửa hành trình, trong đó có tên lửa Tomahawk, phóng đi từ các tàu chiến trên biển.
Trong chiến dịch oanh tạc triệt tiêu năng lực của IS, tàu chiến lưỡng cư USS Makin Island đã phái đi 6 máy bay chiến đấu Harrier để đánh bom các mục tiêu của nhóm Hồi giáo cực đoan này.
Tham gia chiến dịch còn có tàu sân bay USS George H.W Bush có sức chứa 70 chiến đấu cơ, tàu USS Arleigh Burke và USS Philippines Sea phóng tên lửa Tomahawk. Máy bay ném bom tàng hình F-22 xuất kích từ một căn cứ bí mật. Máy bay không người lái Predator được trang bị tên lửa Hellfire.
5 nước trợ giúp Mỹ bao gồm Ảrập Xêút, quốc gia sở hữu 235.500 quân, 11 tàu chiến, 1055 xe tăng, 300 chiến đấu cơ, 100 tàu tuần tra; Bahrain, nước có 13.000 quân, 180 xe tăng, 11 tàu chiến, 22 tàu tuần tra;
Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất với lực lượng hùng hậu gồm 65.000 quân, 34 chiến đấu cơ, 545 xe tăng, 34 tàu tuần tra; Qatar với 11.000 quân, 118 xe tăng, 14 chiến đấu cơ và 4 tàu tuần tra có tên lửa SAM và Exocet; Jordan với 110.700 quân, 1321 xe tăng, 24 chiếc máy bay chiến đấu và 27 tàu tuần tra.
- Hoài Linh